Ngày 12/7, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ký sắc lệnh cho phép lực lượng quân đội điều phối và giám sát việc phân phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và những nhu yếu phẩm khác trong nỗ lực giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Maduro đã công bố chương trình “Sứ mệnh phân phối tự chủ” dưới sự kiểm soát của một cơ quan do Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino đứng đầu.
Tổ chức này sẽ quyết định việc mua bán và phân phối lương thực, thuốc men và sản phẩm vệ sinh cho người dân.
Sắc lệnh cũng cho phép cơ quan nói trên buộc các doanh nghiệp tư nhân bán sản phẩm cho nhà nước, đồng thời giám sát giá cả phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng đầu cơ.
Liên quan tới quyết định này, Bộ trưởng Padrino khẳng định chính phủ không có ý định quân đội hóa nền kinh tế và quân đội chỉ tham gia với vai trò hậu cần và giám sát.
Ông tuyên bố an ninh lương thực là vấn đề quan trọng của đất nước, do vậy lực lượng quân đội cần phải tham gia nhằm đảm bảo nền hòa bình, đồng thời nhấn mạnh Venezuela đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh phi truyền thống chưa từng có.
Nền kinh tế Venezuela đang lâm vào suy thoái nghiêm trọng do giá dầu giảm trong thời gian dài.
Dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela và chỉ đạt 42,5 tỷ USD hồi năm ngoái so với 74 tỷ USD của năm 2014.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại tệ của Venezuela năm 2015 đã giảm còn 15 tỷ USD so với 29 tỷ USD của năm 2012, trong khi nợ nước ngoài lên tới 250 tỷ USD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 6%, bội chi ngân sách tương đương từ 18-20% GDP, tỷ lệ lạm phát là 180,9% và con số này được dự báo sẽ lên đến 700% trong năm nay. Khan hiếm hàng hóa ở mức 80%.
Tổng thống Nicolás Maduro đã cáo buộc phe đối lập và các thế lực thù địch ở nước ngoài gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này thông qua cuộc “chiến tranh kinh tế”./.