Với sự hỗ trợ của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, các lực lượng của Chính phủ Yemen đang tiến sát thành phố cảng Hodeida hiện do phiến quân Houthi kiểm soát.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Riyadh tối 28/5 theo giờ địa phương, người phát ngôn liên quân Turki al-Maliki cho biết quân đội Chính phủ Yemen được sự hỗ trợ của liên quân chỉ cách Hodeida khoảng 20 km và các chiến dịch quân sự đang diễn ra.
Ông Maliki nêu rõ mục tiêu của liên quân là "cắt đứt huyết mạch" mà phiến quân đang tận dụng.
Trong khi đó, đại diện Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen Hamoud Abbad kêu gọi các tay súng phiến quân tập hợp lực lượng lớn để bảo vệ mặt trận phía Tây.
Trước đó, thủ lĩnh Houthi Abdul Malik al-Huthi tuyên bố lực lượng này sẵn sàng ngăn cản bất kỳ chiến dịch quân sự nào của liên quân nhằm vào Hodeida.
[Quân đội Yemen giải phóng hoàn toàn thành phố cảng Medi]
Bày tỏ quan ngại trước các diễn biến ở Hodeida, Liên hợp quốc đã cảnh báo bất kỳ chiến dịch quân sự nào nằm vào cảng biển này cũng sẽ gây cản trở việc vận chuyển hành cứu trợ nhân đạo đến Yemen, do 70% lượng hàng cứu trợ được đưa qua cảng này.
Theo đó, nhân viên của Liên hợp quốc tại Yemen và khu vực này đã bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường viện trợ đồng thời điều chỉnh các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp căng thẳng leo thang hơn nữa.
Cảng Hodeida ở Biển Đỏ đã trở thành khu vực cạnh tranh gay gắt kể từ khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp quân sự năm 2015 chống phiến quân Houthi ở Yemen.
Cảng biển này là nơi tiếp nhận hàng viện trợ lớn nhất của Yemen, nơi hàng triệu người đang đứng bên bờ vực bị đói. Tuy nhiên, liên quân và chính phủ Yemen nhận định cảng biển này cũng là nơi phiến quân nhận vũ khí từ bên ngoài chuyển đến, bao gồm tên lửa đạn đạo.
Tháng 11/2017, liên quân đã công bố kế hoạch bao vây toàn diện Hodeida nhằm đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào Riyadh. Việc phong tỏa này sau đó đã giảm bớt song liên quân vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu giành lại Hodeida.
Hơn 22 triệu người Yemen hiện sống phụ thuộc vào hàng viện trợ. Gần 10.000 người đã thiệt mạng kể từ khi liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu bắt đầu tham chiến tại Yemen tháng 3/2015.
Ngoài ra, hơn 2.200 người đã tử vong do bệnh tả trong khi hàng triệu người đang bên bờ vực bị đói. Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ Yemen đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới./.