Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu vốn đang căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lại được các bên tiếp tục "đổ thêm dầu" trong những ngày gần đây.
Ngày 20/3, trả lời các phóng viên khi tham dự Hội chợ Công nghệ CeBIT ở Hannover, Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố Berlin ngày càng thất vọng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lặp lại cáo buộc rằng Đức áp dụng "các phương pháp phátxít" bằng cách cấm các cuộc míttinh của cộng đồng người Thổ tại Đức nhằm kêu gọi ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, qua đó gia tăng quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà Merkel cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng vô điều kiện việc so sánh với Đức Quốc xã, đồng thời nhấn mạnh rằng Đức có quyền cấm các hành động tương tự trong tương lai nếu Ankara không tôn trọng luật pháp Đức.
Tại Đan Mạch, Chính phủ nước này ngày 20/3 đã triệu hồi Đại biện lâm thời của Thổ Nhĩ Kỳ đến để trao đổi về những thông tin truyền thông địa phương cho rằng một số công dân Đan Mạch gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc lăng mạ và chống đối chính quyền Ankara, đồng thời bị đưa vào danh sách những kẻ phản quốc.
Ngày 18/3, nhật báo Berlingske của Đan Mạch đưa tin cho biết một số công dân Đan Mạch gốc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ bị Ankara cáo buộc tội phản quốc và bị đưa vào danh sách đen do quan điểm chính trị của họ.
[Đức cảnh báo cấm công dân Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các sự kiện vận động]
Trước đó, chính quyền Đan Mạch đã từ chối cho phép các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vận động cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/4 để tăng quyền cho ông Erdogan.
Và ngày 12/3, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo hoãn chuyến thăm đến cuối tháng này do "căng thẳng" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.
Cũng trong ngày 20/3, tại Thụy Sĩ, Hạ nghị sỹ Josef Dittli tuyên bố sẽ triển khai một cuộc điều tra về các hoạt động gián điệp do các tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhắm vào những công dân Thổ hoặc những người mang hai quốc tịch Thụy Sĩ-Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Sĩ.
Ông Dittli cho rằng Quỹ Hồi giáo - Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Sĩ (TISS) và Liên minh các nhà dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ - châu Âu (UETD) có thể liên quan trong các hoạt động gián điệp kể trên. Ngoài ra, còn có các tổ chức khác và cả các nhà ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Sĩ.
Ông Dittli cũng chính thức kiện lên tòa hình sự một nhân vật giấu tên vì hoạt động gián điệp và tình báo chính trị.
Theo nghị sỹ Dittli, những người chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bị đe dọa, tẩy chay về kinh tế và có thể bị Ankara đưa vào danh sách đen. Vụ kiện đang được Bộ Nội vụ liên bang Thụy Sĩ thụ lý.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Istanbul hôm 19/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp tục nhắc lại cáo buộc Đức đang sử dụng những phương thức của Đức Quốc xã để chống lại những người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Đức và những Bộ trưởng cùng các nhà lập pháp của Thổ đến thăm Đức.
Thêm nữa, tại cuộc họp báo ngày 20/3, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus đã cảnh báo rằng các nước châu Âu cần thực hiện các biện pháp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nếu không muốn rơi vào "cạm bẫy của chủ nghĩa phátxít."
Tuyên bố của ông Kurtulmus được cho là có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng với các nước châu Âu, đặc biệt là với Đức./.