Quan hệ Italy-Pháp trở nên căng thẳng vì khủng hoảng di cư

Quan hệ giữa Italy và Pháp bắt đầu trở nên căng thẳng sau khi cảnh sát Pháp kiên quyết không cho người di cư gốc Phi nhập cảnh để xin tị nạn.
Quan hệ Italy-Pháp trở nên căng thẳng vì khủng hoảng di cư ảnh 1Người di cư tại bờ biển Ventimiglia, Italy ngày 14/6 sau khi bị từ chối nhập cảnh vào Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan hệ giữa Italy và Pháp bắt đầu trở nên căng thẳng sau khi cảnh sát Pháp kiên quyết không cho người di cư gốc Phi nhập cảnh để xin tị nạn, khiến hàng trăm người bị kẹt lại ở biên giới Italy-Pháp trong vài ngày nay.

Các giới chức Italy đã lên tiếng chỉ trích nhà chức trách Pháp "vi phạm Hiệp ước Schengen" về di chuyển tự do trong khối các nước Liên minh Châu Âu (EU) sau khi không cho người di cư Bắc Phi sang Pháp xin quy chế tị nạn.

Hôm 15/6, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano đã mô tả việc hơn 100 người di cư phản đối nhà cầm quyền Pháp bằng cách leo lên các mỏm đá gần biên giới với Pháp là "một cú đấm vào mặt Châu Âu."

Ông nói trên kênh RAI: "Những người di cư đó muốn sang các nước Châu Âu, không muốn ở lại Italy và tôi muốn mang hình ảnh đó đến Hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ EU."

Cuộc họp này, theo dự kiến, sẽ diễn ra ở Luxemburg ngày 16/6. Cũng trong tuần này, Thủ tướng Italy Matteo Renzi sẽ đối thoại với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande về vấn đề người di cư.

Đáp lại chỉ trích của Italy, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã cho rằng, Pháp không hề vi phạm Hiệp ước Schengen mà chỉ đóng cửa với những người di cư vì mục đích kinh tế, nhưng không có giấy tờ hợp lệ. Ông cũng yêu cầu phía Italy phải chấp nhận việc "lập các trại tiếp nhận" và khẳng định, Italy phải tiếp nhận lại những người di cư mà Pháp không đồng ý cấp quy chế.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra cuối tuần trước, Pháp đã từ chối không nhận hơn 1.000 người di cư, với lý do giấy tờ của những người này không hợp lệ. Ông cũng phủ nhận những cáo buộc từ phía Italy, rằng Pháp không muốn chia sẻ gánh nặng người di cư với Italy.

Người phát ngôn của chính phủ Áo, Karl-Heinz Grundboek, cũng bác bỏ những cáo buộc của chính phủ Rome về việc nước này đóng cửa biên giới với người xin tị nạn người Bắc Phi xuất phát từ các trại tiếp nhận ở Italy.

Phát biểu trên truyền hình, ông nói rằng Áo cũng như Pháp, áp dụng chặt chẽ Hiệp ước Schengen và chỉ cho nhập cảnh những ai có giấy tờ hợp lệ. "Việc này không phải là mới mẻ gì, mà đã được áp dụng từ nhiều năm nay", ông nói.

"Hiệp ước Schengen quy định, những ai không có giấy tờ hợp lệ sẽ phải quay về nước xuất phát". Trong khi đó, cũng hôm 15/6, Natasha Bertaud, người phát ngôn của Ủy ban nhập cư của EU nói rằng, EU đang "xem xét tình hình" sau khi xảy ra công kích giữa hai bên Italy và Pháp.

Báo chí Italy đã thể hiện sự lo ngại về việc Italy phải gánh chịu chủ yếu các hậu quả của dòng người di cư qua biển Địa Trung Hải ngày càng tăng. Cho đến nay, đã có hơn 50.000 người di cư được Italy cứu trên biển và đưa vào các trại tiếp nhận trên lãnh thổ của mình.

Bộ Nội vụ và Bộ ngoại giao Italy ước tính sẽ có từ 180.000 đến 200.000 người di cư xuất phát từ các cảng ở Bắc Phi, chủ yếu là từ Libya, đặt chân lên Italy. Nhật báo La Repubblica cho rằng, khoảng 60% số người này không có các giấy tờ hợp lệ để xin quy chế tị nạn.

Việc các nước EU từ chối những người này và theo Hiệp định Dublin về nhập cư, nếu điều này xảy ra, họ sẽ phải quay trở lại nước đặt chân đầu tiên đến trong khối EU, nghĩa là Italy, sẽ càng đầy chính phủ Rome vào tình trạng khó khăn hơn về nhiều mặt, trong đó có khả năng đối mặt với tình trạng bài ngoại và nhập cư ngày càng tăng ở trong nước cũng như nguồn tài chính có hạn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh RAI, Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano cũng lên tiếng cho rằng, "cần phải thay đổi các quy định của Hiệp định Dublin" và đòi hỏi EU không được quay lưng lại với Italy trong cuộc khủng hoảng này.

Khủng hoảng di cư sẽ là một trong những chủ đề chính của cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo EU trong ngày 25 và 26/6 tới. Cho tới nay, nhiều nước EU từ chối "tình nguyện" tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch của EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.