Quan hệ Italy-Việt Nam 'bén rễ bền chặt từ trong lịch sử'

Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro đã có những chia sẻ về mối quan hệ Italy-Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước.
Quan hệ Italy-Việt Nam 'bén rễ bền chặt từ trong lịch sử' ảnh 1Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro. (Nguồn: TTXVN phát)

Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro trích lời Tổng thống Sergio Mattarella cho rằng mối quan hệ Italy-Việt Nam “bén rễ bền chặt từ trong lịch sử,” khi trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (23/3/1973-23/3/2023).

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam-Italy kể từ khi hai nước thiết lập Quan hệ Ngoại giao cách đây 50 năm, đặc biệt là từ khi hai nước nâng cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 1/2013?

Đại sứ Antonio Alessandro: Tôi xin được dùng lời của Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella, người vừa có thông điệp chúc mừng nồng nhiệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Quan hệ Ngoại giao Italy-Việt Nam.

[Infographics] Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Italy

Tổng thống Mattarella chúc mừng hai nước vì mối quan hệ “bén rễ bền chặt trong lịch sử” đồng thời “tự tin hướng tới tương lai.” Những lời này thể hiện rất rõ ý tưởng rằng dịp kỷ niệm 50 năm Quan hệ Ngoại giao không chỉ là một thành tựu to lớn xét trên chặng đường dài mà cả hai quốc gia đã đi kể từ những năm 1970, mà còn là nền tảng để tình hữu nghị của chúng ta phát triển hơn nữa và cùng nhau đối mặt với những thách thức to lớn toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mattarella cũng nhấn mạnh rằng việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược song phương vào năm 2013 đã mở rộng hơn nữa phạm vi hợp tác của hai bên, mang đến một cách tiếp cận cụ thể hơn và những cơ hội mới cho sự tăng trưởng, phát triển và hiểu biết lẫn nhau cho hai nước.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Italy? Hai quốc gia nên làm gì để thúc đẩy mối quan hệ song phương?

Đại sứ Antonio Alessandro:Thứ nhất, Italy và Việt Nam có thể tăng cường trao đổi đoàn, các chuyến thăm cấp cao, các diễn đàn kinh doanh, triển lãm văn hóa và hợp tác nghiên cứu học thuật.

Thứ hai, hai nước nên tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư. Việt Nam là đối tác thương mại đầu tiên của Italy trong khu vực ASEAN, với kim ngạch 6,2 tỷ euro giao dịch hàng hóa và dịch vụ. Sức mạnh của từng nền kinh tế và mức độ hội nhập trong chuỗi giá trị toàn cầu mang lại cơ hội cho việc phát triển hơn nữa, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ tiên tiến.

Thứ ba, chúng ta nên thúc đẩy du lịch hai chiều, như đã thảo luận gần đây trong buổi giới thiệu Ryder Cup của Đại sứ quán. Đây là giải đấu golf quốc tế quan trọng nhất sẽ diễn ra tại Rome vào tháng 9 năm nay.

Quan hệ Italy-Việt Nam 'bén rễ bền chặt từ trong lịch sử' ảnh 2Ngày 29/11/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Tây Ninh tổ chức lễ khởi công Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh giai đoạn 1, tổng mức đầu tư trên 335 tỷ đồng, trong đó có sử dụng nguồn vốn vay ODA của Italy. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Cuối cùng, Italy và Việt Nam lần lượt là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước nên đưa góc độ khu vực vào mối quan hệ song phương. Tôi muốn nhắc lại rằng Italy đã trở thành đối tác phát triển của ASEAN vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Liên minh châu Âu và Việt Nam cũng có quan hệ mật thiết. Những kết nối khu vực này đem lại những cơ hội mới cho tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta.

- Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Italy. Đại sứ có khuyến nghị gì để hai nước tận dụng những cơ hội này trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư?

Đại sứ Antonio Alessandro: Hiệp định EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được EU ký kết. Hiệp định này dần loại bỏ gần như tất cả các loại thuế quan đối với cả hàng hóa lẫn dịch vụ. Hơn nữa, một số điều khoản bao trùm các lĩnh vực quan trọng như quy tắc xuất xứ, hàng rào phi thuế quan, mua sắm công, điều kiện lao động, và các tiêu chuẩn môi trường.

Italy và Việt Nam cam kết thực thi đầy đủ và đúng tiến độ các điều khoản của Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với EU để đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi, đặc biệt là dược phẩm và nông sản, có thể tiếp cận thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, Italy là nước nhập khẩu khá nhiều các sản phẩm của Việt Nam, từ càphê đến hải sản, hàng may mặc và thiết bị điện. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm này phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và quy định của EU để tiếp cận thị trường châu Âu. Italy có rất tiềm năng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm của họ.

- Xin Đại sứ cho biết một vài điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước trong năm nay?

Đại sứ Antonio Alessandro: Đại sứ quán Italy đang hỗ trợ Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn dàn dựng một vở opera đầu tiên sau vài thập kỷ.

Tác phẩm “Cavalleria Rusticana” của nhà soạn nhạc nổi tiếng Pietro Mascagni sẽ được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 15-16/4. Đây sẽ là một trong những sự kiện nổi bật của chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa Italy và Việt Nam.

Một số hoạt động khác bao gồm triển lãm về sản xuất công nghiệp, một buổi trình diễn ba lê đương đại của đoàn kịch Italy “Artemis Danza” và liên hoan phim Italy.

Chương trình của chúng tôi là một kế hoạch “mở” và chúng tôi sẽ công bố các sự kiện và sáng kiến sau khi chúng tôi làm việc với các đối tác của mình ở Italy và Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.