Quan hệ Mỹ-Trung Quốc: Bao giờ "sau cơn mưa, trời lại sáng"?

Sau những bất ổn trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, một số nhà quan sát nước ngoài hy vọng chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden sẽ "cài đặt lại" chính sách ngoại giao của Mỹ.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc: Bao giờ "sau cơn mưa, trời lại sáng"? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng chinausfocus.com đưa tin, sau những bất ổn trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, một số nhà quan sát nước ngoài hy vọng chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden sẽ "cài đặt lại" chính sách ngoại giao của Mỹ.

Tuy nhiên, giới chức chính quyền mới ở Mỹ đã phát tín hiệu rằng đừng nên hy vọng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ thay đổi hoàn toàn các chính sách của ông Trump trong lĩnh vực thương mại.

Trên thực tế, nhiều tính toán chính trị trong nước - những nhân tố từng dẫn đến việc chính quyền ông Trump quyết định kích động chiến tranh thương mại với Trung Quốc - vẫn còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Thời đại của chủ nghĩa bảo hộ và cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc gay gắt hơn có thể sẽ còn kéo dài. 

Ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc đưa ra nhiều quyết định bất ngờ, chẳng hạn ngay lập tức rút Mỹ khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn là nền tảng trong chiến lược châu Á mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy. Không dừng ở đó, nhà lãnh đạo này còn có những động thái làm tê liệt Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đình chỉ thỏa thuận thương mại Mỹ-châu Âu và gây sức ép để tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Chính quyền ông Trump cũng đã áp đặt chương trình thuế quan, không chỉ đối với danh sách đáng kể hàng hóa Trung Quốc, mà còn đối với mặt hàng thép và nhôm từ các nước đồng minh châu Âu và Nhật Bản.

Những động thái này đã dẫn đến các cuộc đàm phán thương mại “bất tận” giữa Mỹ và Trung Quốc, với kết quả là một thỏa thuận “đình chiến” giai đoạn 1 trong một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Nói một cách công bằng, những động thái này không hề đem lại lợi ích cho ngành sản xuất thép của Mỹ cũng như một số nhà sản xuất hàng hóa nội địa, ngược lại, chúng còn gây hại cho hầu hết các ngành công nghiệp khác và người tiêu dùng nói chung.

Ông Biden lên nắm quyền và nhận được sự ủng hộ của nhiều khu vực kinh doanh lớn mạnh tại Mỹ, một phần vì lực lượng này đã quá chán nản và thất vọng với các chính sách thương mại thời ông Trump, song phần lớn là bởi nhiều người cho rằng ông Biden là nhà lãnh đạo ít có khả năng châm ngòi cho một cuộc nội chiến bằng những phát biểu quá khích.

[Điểm mặt 4 điểm yếu khiến Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ]

Thực tế này phản ánh mối ưu tiên của những người ủng hộ tân tổng thống Mỹ. Những nỗ lực thúc đẩy các gói kích thích kinh tế nội địa, triển khai chương trình vắcxin và xoa dịu căng thẳng chính trị trong nước mới là những điều mà họ quan tâm nhất, chứ không phải là cuộc chiến thương mại.

Bất chấp một chính phủ rối loạn và xã hội bất ổn, mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ vẫn là những vấn đề nội bộ. Nói một cách rõ ràng hơn, “mối đe dọa khủng bố” ngày nay không phải là al-Qaeda - một lực lượng mơ hồ ở Trung Đông, mà là các nhóm cực đoan da trắng có tổ chức ngay trên đất Mỹ.

Để hiểu được quan điểm của chính quyền ông Biden với Trung Quốc, người ta phải xem xét các khía cạnh chính sách ngoại giao, quân sự và thương mại trong một tổng thể thống nhất. Xét từ góc độ đó, có thể thấy chính quyền ông Biden được xây dựng với một sự kết hợp của những nhân vật cứng rắn và ôn hòa.

Tướng về hưu Lloyd Austin, một người khá ôn hòa, đã “đánh bật” Michele Flournoy, một chính trị gia theo đường lối cứng rắn chống Trung Quốc, để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Ngoại trưởng Antony Blinken đã lên tiếng ủng hộ việc áp đặt thuế quan và các chiến thuật gây áp lực kinh tế khác, song bày tỏ hy vọng về việc "tái thiết" quan hệ Mỹ-Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn.

Ngược lại, Kurt Campbell - một trong những kiến trúc sư của kế hoạch “xoay trục về châu Á” và nổi tiếng với quan điểm diều hâu về Trung Quốc - giữ vai trò cố vấn chính sách cấp cao về châu Á của ông Biden.

Sự cân bằng tương đối này cho thấy chính sách của chính quyền của ông Biden đối với Trung Quốc sẽ có sự linh hoạt nhất định phụ thuộc vào các mối quan tâm và áp lực chính trị tùy thời điểm. Về cơ bản, giới quan sát cho rằng một cuộc đối đầu thay đổi đôi chút tùy theo nhu cầu và áp lực chính trị trong ngày. Nhìn chung, rất khó xảy ra một cuộc đối đầu trực diện ngay lập tức với Trung Quốc với các quan chức đương nhiệm ở Nhà Trắng.

Nhìn vào bối cảnh này, rõ ràng việc Mỹ nhanh chóng thay đổi chính sách với Trung Quốc là điều sẽ khó xảy ra. Chính quyền của Tổng thống Biden trên thực tế còn từng cảnh báo sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp thuế quan với cả hàng hóa Trung Quốc và châu Âu.

Nói một cách đơn giản, thuế vẫn được xem là một công cụ thu lợi chính trị tại nhiều bang vùng Rust Belt như Minnesota, Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, những bang quan trọng trong chiến thắng phiếu đại cử tri của ông Biden.

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc: Bao giờ "sau cơn mưa, trời lại sáng"? ảnh 2Ông Joe Biden (trái) và ông Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đảng Dân chủ không thể để mất những cử tri này và không có ý định tỏ ra "yếu kém trong lĩnh vực thương mại" vào năm 2024. Thậm chí, chính quyền ông Biden còn công bố ý định tận dụng những đòn thuế hiện có để "duy trì đòn bẩy" với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán tương lai.

Điều trớ trêu nằm ở chỗ đây rất có thể chỉ là “bình mới rượu cũ” cho chiến lược mà cựu Tổng thống Trump đã đề ra nhằm đối phó với Trung Quốc, về thuế quan và về cuộc chiến thương mại. Phải thừa nhận rằng lập trường quyết đoán, có phần thất thường, của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc thực tế không phải là một sai lầm, mà chỉ là một sự tiếp nối từ những động lực sẵn có của giới chóp bu Mỹ trong cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc.

Các điều kiện cơ bản kích động chiến tranh thương mại - tỷ suất lợi nhuận giảm, dư thừa nguồn cung và công suất thường xuyên tại các ngành công nghiệp chủ chốt - vẫn còn đó. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra cũng không làm cho thương mại tự do và kinh tế tân tự do đem lại lợi ích nhiều hơn cho tầng lớp lao động.

Trong khi đó, các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu tiếp tục tỏ ý muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại, kể cả việc tiếp cận nhiều hơn với Trung Quốc. Do đó, hy vọng về việc chấm dứt chiến tranh thương mại là điều quá sớm. Điều mà người ta nên chờ đợi là những cuộc đàm phán thương mại bất tận và quá trình chuyển đổi chậm chạp sang một trật tự quốc tế nhiều tính bảo hộ hơn.

Hiện trạng có thể dễ dàng bị xáo trộn bởi bất kỳ sự kiện quốc tế nào, từ các hành động khiêu khích của Trung Quốc hoặc các đối thủ trong khu vực hay thậm chí là động thái của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.

Giới chóp bu Washington chắc chắn sẽ tiếp tục tìm cách hủy hoại hình ảnh Trung Quốc trong nhìn nhận của công chúng, như cách vẫn làm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng được rằng Mỹ có thể huy động và thu hút sự ủng hộ đủ để chống lại một kẻ thù nước ngoài ngay khi chính bản thân họ đang phải vật lộn với những rạn nứt của chính mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục