Quan hệ Nga-Israel sẽ thay đổi thế nào sau khi S-300 đến Syria?

“Diễn biến sau vụ việc máy bay Il-20 là việc tạo nên khủng hoảng trong điều kiện không khủng hoảng. Nó có thể vượt quá tầm kiểm soát và trở thành xung đột lớn giữa Moskva và Tel Aviv.”
Quan hệ Nga-Israel sẽ thay đổi thế nào sau khi S-300 đến Syria? ảnh 1Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tham gia cuộc tập trận chung Nga- Belarus mang tên Zapad-2017 ở Volka, cách Minsk (Belarus) khoảng 200km về phía tây nam tháng 9/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/10, Nga đã hoàn tất việc giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria.

Theo rbc.ru,  đó là hai hệ thống S-300PMU-2. Đây là mẫu xuất khẩu của hệ thống S-300PM-2 “Favorit” được sản xuất từ cuối thập niên 1990.

Mẫu này vốn được nâng cấp để cung cấp cho Syria, song sau khi kế hoạch bị dừng lại theo yêu cầu của Israel, vũ khí được cung cấp cho Iran.

Giá mỗi hệ thống vào khoảng 50-100 triệu USD, song Andrey Florov- Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí”- nhận định với cục diện hiện nay tại Syria thì hợp đồng cung cấp S-300 lần này sẽ là hợp đồng không hoàn lại.

Chuyên gia quân sự Israel David Hendelman cho rằng, Nga sử dụng vụ việc chiếc máy bay Il-20 để đạt các mục tiêu chính trị-quân sự của mình - đó là tăng cường vị thế tại Syria và hạn chế sự can thiệp của Israel, vốn không có lợi cho Nga vào công việc nội bộ của Syria nói chung.

Ông tin rằng các cuộc không kích của Israel vào Syria không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho Nga (như trong trường hợp máy bay Il-20), mà còn gây tổn hại đến hình ảnh của Nga - trong con mắt cộng đồng quốc tế, nước Nga trở nên không có khả năng bảo vệ bầu trời Syria.

Nếu trước kia Nga nhượng bộ Israel và không cung cấp cho Syria hệ thống phòng không hiện đại thì sau vụ Il-20, Nga có thể quay lại thực hiện kế hoạch ban đầu của mình.

[Nga hoàn tất chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria]

Theo chuyên gia này, đến nay, bầu trời Syria chưa bị đóng hoàn toàn vì chưa có thông báo chính thức về vùng cấm bay. Song thực tế, việc huy động phương tiện chống định vị vô tuyến sẽ dẫn đến việc hình thành ít nhất các vùng cấm bay tạm thời tại một số vùng của đất nước Trung Đông.

Trả lời cho câu hỏi việc cung cấp S-300 cho Syria có làm tổn hại quan hệ Nga-Israel hay không, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov đáp, S-300 có mục đích bảo vệ các binh sỹ Nga và không nhằm chống lại các nước thứ ba.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về S-300.

[Tên lửa Syria bắn nhầm máy bay Nga ban đầu nhằm vào máy bay Israel]

Lãnh đạo Israel tuyên bố: “Việc chuyển giao vũ khí tiên tiến cho những bên vô trách nhiệm sẽ làm tăng nguy cơ trong khu vực.”

Lãnh đạo hai nước quyết định sẽ tiếp tục đối thoại cấp chuyên gia và phối hợp giữa hai quân đội theo các kênh quân sự.

Trước việc cung cấp S-300 của Nga, các chính trị gia Israel đã chỉ ra những hậu quả bất lợi đối với quan hệ song phương.

Quan hệ Nga-Israel sẽ thay đổi thế nào sau khi S-300 đến Syria? ảnh 2Xe quân sự Israel tham gia huấn luyện quân sự trên cao nguyên Golan, giáp giới Syria ngày 7/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cựu Đại sứ Israel tại Nga Zvi Magen nhận định: “Diễn biến sau vụ việc máy bay Il-20 là việc tạo nên khủng hoảng trong điều kiện không khủng hoảng. Nó có thể vượt quá tầm kiểm soát và trở thành xung đột lớn giữa Moskva và Tel Aviv.” 

Theo ông, vụ việc lẽ ra có thể “được chặn đứng và thỏa thuận,” song phía Nga đã quyết định khác đi, bất chấp đoàn đại biểu quân đội Israel đã đến Moskva để giải thích tình hình ngày 17/9.

Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu phương Đông Nga Irina Zvyagelskaya cho rằng, quan hệ hai bên đã bị làm hỏng vì chính Israel là bên có trách nhiệm.

Việc cung cấp S-300 sẽ gây nên chỉ trích rất gay gắt và thái độ phản ứng ở Israel. Song nếu Israel quan tâm đến việc duy trì quan hệ với Moskva và Moskva cũng vậy thì những phản ứng sẽ lắng lại.

Washington sẽ không bỏ qua vụ cung cấp S-300 này. John Bolton - Cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ - đã gọi quyết định của Moskva là “sai lầm lớn” và hy vọng rằng Nga sẽ xem xét lại kế hoạch này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng có kế hoạch thảo luận với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa khai mạc tại New York./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.