Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ trong năm 2019 sẽ ra sao?

Hướng tới năm 2019, mối quan hệ song phương Trung Quốc-Ấn Độ sẽ tiếp tục đối mặt với cả rủi ro và cơ hội, song vẫn có khả năng được cải thiện.
Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ trong năm 2019 sẽ ra sao? ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Vũ Hán tháng 4/201(Nguồn: Reuters)

Mạng tin eurasiareview đánh giá quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ năm 2018 nhìn chung khá ổn định và đang dần vươn ra khỏi cái bóng của cuộc khủng hoảng Doklam (Trung Quốc gọi là Đông Lãng).

Tuy nhiên, những vấn đề tiếp tục gây ảnh hưởng tới quan hệ hai nước vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết, đặc biệt là việc hai quốc gia châu Á khổng lồ này thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Hướng tới năm 2019, mối quan hệ song phương Trung Quốc-Ấn Độ sẽ tiếp tục đối mặt với cả rủi ro và cơ hội, song vẫn có khả năng được cải thiện. Để cân bằng được điều này sẽ cần những hiểu biết nhất định, cũng như tầm nhìn xa trông rộng để đưa quan hệ hai nước vào con đường phát triển tích cực.

Sau hội nghị thượng đỉnh Vũ Hán, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới mà còn thực hiện một cuộc tập trận chung với tên gọi "Tay trong tay 2018," đồng thời tổ chức một cuộc đối thoại về hàng hải vốn được lên kế hoạch từ năm 2017.

[Ấn Độ và Trung Quốc nhất trì duy trì hòa bình khu vực biên giới]

Hơn nữa, kế hoạch hợp tác "Trung Quốc-Ấn Độ +" bắt đầu được đưa vào thực hiện, và dự án đầu tiên là cùng đào tạo các nhà ngoại giao Afghanistan. Hai bên cũng tổ chức cuộc gặp cấp cao đầu tiên bàn về việc thực thi luật pháp và an ninh, cũng như cuộc gặp đầu tiên của Cơ chế giao lưu nhân dân và văn hóa cấp cao mới được hai nước thành lập.

Tất cả những diễn biến kể trên đều xảy ra trong bối cảnh thế giới đang chống lại toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, và kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã gần vượt qua ngưỡng 90 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, có thể dự đoán rằng quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ trong năm 2019 sẽ vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương này sẽ không tránh khỏi phải đối mặt với nhiều thách thức. Do hai nước hiện đang nghi kị lẫn nhau, nên bất kể động thái nào của một trong hai nước ở các khu vực biên giới - bao gồm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển và sử dụng các nguồn nguyên liệu - sẽ đều gây ra vấn đề nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, môi trường an ninh phức tạp và hay thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Tóm lại, mọi vấn đề chỉ xoay quanh việc Trung Quốc đánh giá thái độ của Ấn Độ đối với Bộ Tứ và đặc biệt là Mỹ ra sao, và mặt khác là quan điểm của Ấn Độ đối với quá trình phát triển của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Có thể đoán trước được rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ còn tiếp diễn, ở cả lĩnh vực địa chính trị và địa kinh tế. Ở một khía cạnh nào đó, tâm lý ganh đua với nhau là một điều tốt bởi nó có thể khuyến khích các nước liên tục nỗ lực làm tốt hơn nữa, tuy nhiên Trung Quốc và Ấn Độ cũng cần cải thiện những điều chưa tốt đang chồng chất trên con đường mà hai nước đã lựa chọn.

Hơn nữa, cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ vào năm 2019 có thể là một yếu tố khiến tình hình trở nên phức tạp, bởi mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo luôn có xu hướng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước.

Những vấn đề chiến thuật, như vấn đề biên giới chưa được giải quyết giữa hai nước, sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Câu hỏi đặt ra là vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng tới mức nào khi hai nước cân nhắc tới nhu cầu cùng tồn tại và hợp tác trong những lĩnh vực khác.

Để quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ không phải chịu ảnh hưởng từ những biến động như vậy thì mục tiêu cuối cùng không thể chỉ đơn giản là đảm bảo ổn định và tránh xung đột. Điều cần thiết là đưa ra một mục tiêu cao hơn, đó là hai nước cùng nhau giải quyết các thách thức, chia sẻ trách nhiệm, và xác định rõ những lĩnh vực hợp tác mà hai nước sẽ cùng thắng.

Hai nước sẽ tìm được sự cân bằng nếu họ hiểu rằng hiện có một mối đe họa còn lớn hơn tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh hiện nay, đó là một loạt vấn đề nan giải liên quan tới sự sinh tồn của người dân cả hai nước. Những vấn đề nan giải này không chỉ bao gồm cuộc chạy đua vũ trang mà còn là việc nguồn tài nguyên đang dần suy giảm, ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề khác.

Để giải quyết những khó khăn này, hai nước cần đưa ra những ý tưởng mới dựa trên sự hợp tác và cùng chia sẻ. Ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ có thể xem xét hợp tác thêm trong vấn đề quản lý khu vực hoặc toàn cầu.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia phát triển đang giảm tốc, sẽ là không thực tế nếu mong đợi các quốc gia này cung cấp thêm các hàng hóa công cộng. Trung Quốc và Ấn Độ cần cùng nhau hợp tác để đóng góp nhiều hơn nữa trong việc đối phó với những thách thức xuyên quốc gia, ví dụ như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh.

Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ đang đi xuống do hai bên còn nghi kị lẫn nhau, điều hai nước nên làm trong năm 2019 là tiến hành một cuộc đối thoại chiến lược có ý nghĩa và mang tính bao quát. Nếu có thể, cơ chế đối thoại chiến lược giữa hai nước hiện nay có thể được nâng cấp thành một cơ chế mới và toàn diện, có sự tham gia của các nhà ngoại giao và quan chứ quốc phòng của cả hai nước.

Nói tóm lại, nếu hai nước tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, học hỏi từ những kinh nghiệm thành công của nhau trong tiến trình phát triển đất nước, và hợp tác hơn nữa trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, thì quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ trong năm 2019 sẽ được cải thiện hơn nhiều so với năm trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.