Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong năm 2020 và những triển vọng tương lai

Ấn Độ và Việt Nam cần xem xét thúc đẩy các dự án chung cũng như những công nghệ tiềm năng, lấy việc phát triển phần mềm lập trình và mã hóa tiên tiến hơn làm động lực để đưa quan hệ lên tầm cao hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm trực tuyến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 21/12/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm trực tuyến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 21/12/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Ấn Độ và Việt Nam đã mở ra nhiều con đường hợp tác song phương sâu rộng hơn giữa hai nước. Trong bài viết đăng trên tạp chí Modern Policy, Tiến sỹ Pankaj Jha, giảng viên quan hệ quốc tế tại trường đại học Jindal Global University cho rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể được đưa lên tầm cao hơn nữa, vì hòa bình, ổn định phát triển không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện song phương được ký kết hồi năm 2016 là hỗ trợ phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư, công nhận thể chế chính trị, tăng cường hợp tác quốc phòng.

Ấn Độ cho rằng Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương (IPOI) và tầm nhìn ASEAN về khái niệm địa chính trị mới này có những điểm tương đồng có thể khai thác để thúc đẩy thương mại, đầu tư, cũng như hiểu rõ hơn về các thách thức an ninh trong khu vực.

Hai nước đã tổ chức cuộc họp ủy ban chung lần thứ 17 vào tháng 8/2020, mở ra những lĩnh vực hợp tác mới như thương mại, khoa học, công nghệ, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học biển, công nghệ mới, năng lượng hạt nhân dân dụng, năng lượng tái tạo và vũ trụ.

Ấn Độ đã thành lập một bộ phận mới trong Bộ Ngoại giao, phụ trách các vấn đề liên quan Công nghệ Chiến lược mới (NEST), tập trung vào các khía cạnh quản trị, pháp lý và kỹ thuật.

Ấn Độ và Việt Nam cần xem xét thúc đẩy các dự án chung cũng như những công nghệ tiềm năng hai bên có thể cùng khai thác. Ngoài ra, nên lấy việc phát triển phần mềm lập trình và mã hóa tiên tiến hơn làm động lực để đưa quan hệ song phương hai nước lên cấp độ cao hơn.

[Tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân]

Qua trao đổi với các nước CLMV gần đây, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jainshankar nhấn mạnh cần triển khai một cách có hiệu quả các Dự án tác động nhanh (QIP) trong các lĩnh vực như quản lý tài nguyên nước, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kết nối kỹ thuật số và bảo tồn di sản.

Trong số 12 QIP tại Việt Nam, Ấn Độ đã triển khai các sáng kiến khởi động 7 dự án về quản lý tài nguyên nước, 5 dự án về phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục ở Việt Nam.

Năm 2021, cả Ấn Độ và Việt Nam đều đảm nhiệm vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do đó sự phối hợp giữa hai bên nhằm nêu các vấn đề an ninh tại Biển Đông là rất quan trọng; bên cạnh đó, vấn đề các con đập trên sông Mekong và Brahmaputra của Trung Quốc sẽ là những điểm tương đồng của hai nước.

Hai nước với vai trò là những nền kinh tế mới nổi ở Nam Á và Đông Nam Á cũng cần thảo luận về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực.

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thảo luận về các lĩnh vực hợp tác phát triển năng lực trong công nghiệp quốc phòng, cũng như hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong năm 2020 và những triển vọng tương lai ảnh 1Lễ ký Thỏa thuận triển khai về hợp tác trong lĩnh vực thủy đạc giữa Ủy ban Thủy đạc Việt nam và Cơ quan Thủy đạc Quốc gia Ấn Độ. (Ảnh: Hồng Pha/TTXVN phát)

Một trong những khía cạnh đáng chú ý trong mối quan hệ hai nước là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thủy đạc. Thủy đạc đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu về môi trường biển, khám phá về nguồn khoáng và sunfat trên bề mặt biển.

Dữ liệu thủy đạc cũng rất cần thiết trong bảo vệ sinh vật biển, cũng như phục vụ mục đích quốc phòng, đặc biệt là hoạt động của tàu ngầm trong địa hìnhbằngdưới biển.

Một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng là xây dựng khuôn khổ thể chế hoá cho nghiên cứu quốc phòng và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Việt Nam là một trong những nước có chi tiêu quốc phòng lớn trong khu vực, song đồng thời mong muốn phát triển công nghiệp quốc phòng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về bảo trì, phát triển hệ thống và nâng cấp đào tạo sỹ quan, đặc biệt trong lĩnh vực mô phỏng và thực tế ảo.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần thứ 17, Thủ tướng Modi nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy kết nối vật lý, kỹ thuật số, tài chính, hàng hải và kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN. Ông cũng khẳng định cần duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Bản thân tuyên bố này cho thấy Ấn Độ quan tâm đến việc phải tuân thủ UNCLOS trên Biển Đông và các bên cần phải kiềm chế; đồng thời ám chỉ những hành động gây hấn của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực thời gian gần đây.

Kế hoạch Hành động Ấn Độ-ASEAN 2021-2025 nhấn mạnh phát triển kiến trúc an ninh hàng hải, đồng thời khẳng định cần phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) trong khu vực.

Ấn Độ rất quan tâm đến việc tăng cường hiểu biết với các nước ASEAN về nâng cao năng lực, hợp tác kỹ thuật và phát triển các tiêu chuẩn chung về chia sẻ thông tin trên biển.

Sự hỗ trợ của Việt Nam trong tất cả các sáng kiến trên là rất cần thiết. Việt Nam được coi là nước có vai trò quan trọng trong khu vực vì đã xử lý thành công đại dịch COVID-19.

Ấn Độ đang hướng tới xuất khẩu vắcxin sang Việt Nam sau khi qua giai đoạn thử nghiệm. Ngoài ra, phát triển nghiên cứu y tế chung khu vực và bảo vệ cộng đồng trước sự lây lan của dịch bệnh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng trong đối thoại giữa hai nước.

Năm 2020, không gian mạng, vũ trụ, hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu chiến lược và kỹ thuật sẽ rất có ý nghĩa để đưa Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ-Việt Nam lên cấp độ tiếp theo.

Có khả năng Ấn Độ sẽ thành lập một diễn đàn đối thoại mới về khoa học và công nghệ, đồng thời hợp tác phát triển phần mềm liên quan an ninh mạng và liên lạc quân sự. Ấn Độ sẽ rất quan tâm đến việc ký kết một hiệp định hỗ trợ hậu cần với Việt Nam trong tương lai xét tới việc hoạt động hỗ trợ của hải quân Ấn Độ đang được mở rộng.

Trước đây, Ấn Độ cũng đã thảo luận về một thoả thuận tương tự với Philippines. Trong bối cảnh các cuộc tập trận Malabar có quy mô ngày càng lớn và hoạt động với cường độ ngày càng cao, hải quân Ấn Độ sẽ phải tìm kiếm hỗ trợ hậu cần ở Thái Bình Dương và Biển Đông.

Ấn Độ đang mở cửa lĩnh vực không gian vũ trụ cho các bên tư nhân tham gia, và Việt Nam có thể khai thác các nguồn lực sẵn có của Ấn Độ. Việt Nam cũng có thể hợp tác với Ấn Độđể phóng một số vệ tinh thời tiết, vệ tinh phát thanh truyền hình và viễn thông lên vũ trụ.

Ân Độ và Việt Nam đã phát triển các diễn đàn chuyên biệt để giải quyết các thách thức mới, và hai bên cũng cần xem xét những tiềm năng, tăng cường hiểu biết về thương mại, đầu tư và dịch vụ.

Những chuyến bay thẳng giữa hai nước đã kích thích phát triển liên kết kinh tế, nhưng đại dịch đã khiến tình hình trở nên khó khăn. Do đó, những tương tác chính thức giữa các nhà lãnh đạo hai bên bên cạnh những thể chế hợp tác sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương lên tầm cao hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.