Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 30/12, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với chủ đề “Khám phá cơ hội đầu tư và kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may”.
Tham dự buổi giao thương về phía Việt Nam có Tiến sĩ Đỗ Thanh Hải, Tham tán, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trọng Thoan, Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Phạm Minh Hương, nguyên giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam.
Về phía Ấn Độ có ông A.K Saxena, Chủ tịch IICCI, ông A. Sakthivel, Chủ tịch hội đồng xúc tiến xuất khẩu dệt may - Bộ Dệt May Ấn Độ, ông Manmonhan Agarawal, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Ấn Độ và khoảng 100 doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực dệt may của 2 nước.
Theo ông Sakthivel, ngành dệt may của Ấn Độ đóng góp hơn 2% vào GDP của nước này và tạo việc làm cho hơn 45 triệu người, đóng góp 15% vào thu nhập xuất khẩu trong năm tài chính 2018-1019. Thị trường hàng dệt may của Ấn Độ ước tính đạt 100 tỷ USD trong tài khóa 2018-2019. Chính phủ Ấn Độ đang áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy ngành dệt may, trong đó cho phép đầu tư 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này theo lộ trình tự động.
Đặc biệt, tháng 11/2020, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua chương trình khuyến khích liên kết sản xuất đối với lĩnh vực dệt may. Đề án này cung cấp các ưu đãi cho sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dệt, đặc biệt là những sản phẩm làm từ sợi nhân tạo (MMF).
Ông Bùi Trọng Thoan, Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khẳng định Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng dương năm 2020 với tốc độ đạt 2,91%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 543,9 tỷ USD, thặng dư thương mại 19,1 tỷ USD, dự trữ ngoại hối khoảng 100 tỷ USD.
[Ấn Độ, Việt Nam tăng cường hợp tác hàng hải và cứu trợ thảm họa]
Về vốn FDI, Việt Nam có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài rộng mở, năm 2020 thu hút đầu tư nước ngoài tuy có giảm khoảng 13% so với năm 2019 nhưng dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tiếp theo do sức hút của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam mới kí kết, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đối với lĩnh vực dệt may, ông Thoan cho rằng sức hút FDI sẽ gia tăng do EU, Trung quốc, Nhật Bản - là những thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may lớn - đều có FTA với Việt Nam.
Trong khi đó, bà Phạm Minh Hương lưu ý, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến hết tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 34 tỷ USD, giảm 14% so với năm ngoái. Đây là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm sau hang chục năm tăng trưởng với tốc độ 10-15% mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2021 dự báo có 3 kịch bản tăng trưởng cho ngành dệt may Việt Nam là 9% - 12% - 15%.
Thuận lợi của ngành dệt may Việt Nam là nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ, mới kí kết nhiều hiệp định tự do quan trọng với thuế suất ưu đãi, có thể thu hút đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực, trong đó có dệt may, đồng thời giúp tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra một số thách thức đối với dệt may Việt Nam trong thời gian tới như tác động của COVID-19 đến chuỗi cung ứng và nhu cầu thế giới, cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác và năng suất lao động trong lĩnh vực dệt may khi Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều lao động lành nghề, được đào tạo bài bản.
Theo thông tin từ hội thảo, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Từ tháng 1-11/2020, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ USD bông và sợi polieste, trong đó 62% đến từ Mỹ, 18% từ Brazil, và chỉ 7% từ Ấn Độ. Đối với vải, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10,7 tỷ, trong đó khoảng 60% từ Trung Quốc, còn lại là từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước, Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 1%.
Trong khi đó, Ấn Độ sở hữu nền công nghiệp dệt may lâu đời, với thế mạnh dựa trên hàng loạt các loại sợi tự nhiên như bông, đay, tơ tằm, len cho đến các loại sợi tổng hợp tổng hợp như polyster, nylon, có nền công nghệ phát triển. Lợi thế này sẽ là sự bổ sung quý giá cho Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may cũng như mở ra triển vọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đào tạo lực lượng lao động dệt may, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết kế…/.