Quận Hoàn Kiếm sẽ xóa xong điểm lấn chiếm vỉa hè trong tháng 3

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra quân quyết liệt xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường, nhằm lập lại trật tự đô thị trên địa bàn những ngày qua nhận được sự đồng tình ủng hộ của dự luận và người dân.
Vải hè phố Hàng Cân. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Lực lượng liên ngành quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra quân quyết liệt xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường, nhằm lập lại trật tự đô thị trên địa bàn những ngày qua nhận được sự đồng tình ủng hộ của dự luận và người dân.

Quy trình được thực hiện đúng từ thông báo, xử lý, yêu cầu tháo dỡ rồi cưỡng chế... với mong muốn trả lại bộ mặt đô thị cho quận trung tâm - "trái tim của Thủ đô" văn minh, sạch đẹp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết có quán nước trên phố Hàng Ngang chia sẻ, việc đồng loạt xóa các lán, cửa hàng tạm rất công bằng. Người dân có lối đi trên vỉa hè và không phải đi xuống lòng, đường gây nguy hiểm mà phố lại đẹp hơn. Ngay từ lúc được trật tự phường thông báo, bà Tuyết đã tự lùi hàng sâu vào trong ngõ, không lấn chiếm vỉa hè nữa.

Đồng quan điểm, anh Trần Văn Tuấn, chủ cửa hàng ăn trên phố Lý Quốc Sư, cho biết đã thấy phường và cơ quan báo chí thông tin liên tục việc siết lại quản lý, sử dụng vỉa hè. Cửa hàng ông Tuấn đã tuân thủ nghiêm, không bỏ ghế ra ngoài. Lúc khách đông thì kê bàn gọn vào để vẫn trả lối cho người đi bộ trên vỉa hè.

Do đặc thù của phố cổ Hà Nội là nhỏ hẹp, kinh doanh theo kiểu truyền thống "buôn có bạn, bán có phường" nên vỉa hè đã "gánh" hàng quán nhiều năm qua nên cũng không thể nói là làm ngay được.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận có 44 điểm vỉa hè bị lấn chiếm. Từ con số này, quận đã lên kế hoạch giải tỏa cụ thể, đặt mục tiêu từ nay đến 31/3 phải xóa xong các điểm lấn chiếm này. Hiện dọc các tuyến phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Chả Cá, Lương Văn Can, Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)…, lực lượng liên ngành đã đồng loạt xử lý xong các hành vi vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè và sẽ duy trì thường xuyên, đưa vào nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện.

Chủ trương của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong việc "đòi" lại vỉa hè cho người đi bộ đã triển khai từ năm 2014 với chủ đề "Năm trật tự văn minh đô thị." Hàng năm, các quận, huyện, thị xã đều đưa kế hoạch này vào nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, việc triển khai chỉ đạt được một số kết quả ban đầu, chưa hoàn thành so với mục tiêu. Trên thực tế, không ít nơi ra quân chỉ là hình thức như kiểu "bắt cóc bỏ đĩa," khí thế rầm rộ nhưng sau đó lại chìm lắng... Do đó, nhiều hộ kinh doanh muốn chấp hành tốt nhưng ngó xung quanh lại thấy các hộ khác, thậm chí cả cơ quan nhà nước cũng không gương mẫu chấp hành nên lại đâu vào đó.

Về việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã cảnh báo: "Đừng để người dân nghĩ mình làm phong trào, rồi sau đó người ta lại lấn chiếm vỉa hè; đừng tạo ra nếp xấu cho người dân là tôi đi qua rồi các vị làm gì thì làm."

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, không chỉ có Hoàn Kiếm mà các quận nội đô khác như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình... tình trạng các tuyến phố thi đua nhau lấn chiếm vỉa hè, khiến bộ mặt đô thị nhom nhem, nhếch nhác diễn ra phổ biến. Nguy hiểm hơn, tình trạng này diễn ra công khai, xuất hiện dấu hiệu của việc "nhờn" luật. Bởi vậy, đợt ra quân quyết liệt giành lại vỉa hè cho người đi bộ của quận Hoàn Kiếm lần này được kỳ vọng là tiền đề tốt để nhân rộng ra toàn thành phố; thể hiện quyết tâm thực hiện "Năm kỷ cương hành chính" 2017 của Thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục