Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất khoáng sản, Lào Cai là một trong những tỉnh sở hữu nhiều mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất ở miền Bắc.
Thế nhưng, do vướng mắc từ công tác cấp phép và quản lý khai thác, nên nhiều năm qua tình trạng khai thác vàng trái phép ở tỉnh này đã trở thành "căn bệnh mãn tính," để lại không ít hệ lụy cho Nhà nước và người dân khu vực.
Gian nan cuộc chiến chống “vàng tặc”
Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, cho biết trên địa bàn có hơn 100 điểm mỏ với trên 30 loại khoáng sản khác nhau. Tính đến nay, toàn tỉnh có 89 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó địa phương cấp 70 giấy phép; 19 giấy phép còn lại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là các loại khoáng sản quý, hiếm như vàng, đồng, quặng, apatit, sắt…
Theo ông Dương, phần lớn các mỏ địa phương cấp là những loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, có thời hạn rất ngắn chỉ từ 3-5 năm. Trong khi đó, nhiều loại khoáng sản quý, hiếm do Bộ Tài nguyên và Môi trường “đặt tên” lại cấp phép quá chậm, bởi quy trình cấp phép xong một mỏ vàng phải mất tới 2-3 năm mới hoàn thành.
Thêm vào đó, công tác quản lý khai thác vàng trên địa bàn cũng rất bất cập. Chính vì thế, có thời kỳ tình trạng khai thác vàng trái phép (vàng tặc) đã diễn ra rất nóng bỏng. Đến nay, tuy vàng tặc đã giảm đi nhiều, song tại một số khu vực vẫn còn khó kiểm soát.
"Thông thường, những mỏ vàng nằm ở trên núi cao, từ chân núi lên tới điểm vàng thường phải mất tới 20 km, thế nên, nhiều khi chúng tôi nhận được thông tin có tình trạng khai thác vàng trái phép, nhưng vào tới nơi thì bọn vàng tặc đã chạy trốn hết rồi," ông Dương giãi bày.
Vị đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lao cai cũng tiết lộ, có thời gian tỉnh Lào Cai đã huy động cả quân đội lên "điểm nóng" dựng lán để bảo vệ nhưng vẫn không xuể. Hơn thế, mỏ vàng thường là nơi tập trung tệ nạn với rất nhiều đối tượng nghiện ngập, nên công tác quản lý thực sự là rất gian nan.
Đề cập đến các khoản thu từ nguồn khoáng sản quý hiếm này, ông Dương khẳng định, địa phương chưa thu được đồng nào từ vàng. Bởi thông thường sau vài năm, Trung ương mới cấp phép khai thác được mỏ vàng, thế nhưng, trong khoảng thời gian chờ cấp phép thì bọn vàng tặc đã đào khoét, rút đi một phần lớn rồi.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Yên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lào Cai, cho biết việc quản lý khai thác vàng trên địa bàn lâu nay rất phức tạp. Thêm vào đó, việc kiểm soát sản lượng vàng do doanh nghiệp khai báo cũng khó khăn.
Đơn cử như, theo số liệu điều tra ban đầu thì 1 ha đất ven suối có trữ lượng 100kg vàng, nhưng doanh nghiệp vào khai thác có khi chỉ bảo thu được 1 kg. Theo bà, việc khai báo là rất khó kiểm soát, bởi trong khi doanh nghiệp chưa đến khai thác thì vàng tặc đã rút đi một khối lượng lớn rồi.
“Hơn nữa, để tìm thấy vàng, thông thường người ta phải đào hàng chục mét đường hầm vào núi, và phải bỏ đi một khối lượng đất đá rất lớn, nên việc kiểm soát trữ lượng khoáng sản quý này là rất khó,” bà Yên chia sẻ.
Ở góc độ địa phương, ông Hoàng Xuân Tuệ, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bát Xát (Lào Cai), cho biết mặc dù tình trạng khai thác vàng trái phép ở địa phương không phức tạp như các điểm “nóng” của huyện Văn Bàn, nhưng việc ngăn chặn nạn vàng tặc trong nhiều năm qua cũng rất vất vả.
Trước đây, vào năm 2011, huyện Bát Xát cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, công an phá một lán vàng và phạt 70 triệu đồng. Mới đây nhất, vào năm 2013, ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh cũng đã tổ chức 4 đợt truy quét nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực Minh Lương và Nậm Xây (huyện văn Bàn) và 3 đợt ở khu vực giáp ranh các huyện Bát Xát, Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bát Xát cũng tiết lộ, hiện trên địa bàn còn có mỏ vàng “vô danh” (chưa có chủ) được xem là điểm nóng khai thác vàng trái phép nằm ở khu vực giáp ranh giữa 3 huyện Bát Xát, Sa Pa và thành phố Lào Cai. Hiện, mỏ vàng này đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác.
Cần tìm chủ cho mỏ vàng “vô danh”
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp quản lý khai thác vàng trên địa bàn, ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, cho rằng để giữ được vàng, tránh thất thoát nguồn thu, giải pháp tối ưu nhất là những mỏ vàng “vô danh” cần sớm phải có chủ, để doanh nghiệp trực tiếp đứng ra quản lý.
“Về việc này chúng tôi cũng đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường-đơn vị cấp phép, song họ vẫn không nghe. Thành ra, không ít mỏ vàng sau khi hoàn tất các thủ tục cấp phép, doanh nghiệp bước vào khai thác được có thời gian ngắn thì trữ lượng vàng đã cạn kiệt,” ông Dương chia sẻ.
Ngoài ra, ông Dương cũng kiến nghị Nhà nước cần phải phối hợp với địa phương có cơ chế quản lý, giám sát rõ ràng. Bởi lẽ, vàng là khoáng sản quý hiếm nên thường được rất nhiều đối tượng tìm cách khai thác trái phép. Chính vì thế, nếu chậm cấp phép sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp đổ lỗi cho vàng tặc, rồi tìm cớ để trốn thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Đồng tình quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Yên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lào Cai, cho rằng quản lý khai thác vàng là việc làm khó nhất trong các loại khoáng sản. Chính vì thế, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý cấp Trung ương cần lắng nghe ý kiến của địa phương, phải đi thực tế và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế hơn.
“Nếu thật sự muốn quản lý hiệu quả, theo tôi, tốt nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường nên bán cả đất ở mỏ vàng cho doạnh nghiệp khai thác, tránh tình trạng doanh nghiệp khai thác kém hiệu quả, rồi kêu đói vàng để trốn nghĩa vụ nộp thuế, phí,” bà Yên kiến nghị.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lào Cai cũng nhấn mạnh vàng, bạc, đá quý là những loại khoáng sản quản lý rất quý, nên các mỏ cần phải được đưa ra đấu giá, đấu thầu cạnh tranh một cách công khai, bởi nếu không Nhà nước sẽ không thu được gì.
Theo bà Yên, Nhà nước nên quy định doanh nghiệp khai thác phải đóng “một cục” (đóng tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo trữ lượng đánh giá ban đầu) ngay từ đầu, tránh tình trạng doanh nghiệp khai thác không tốt, hay vàng tặc họ lấy đi một lượng vàng sẽ đồng nghĩa với việc Nhà nước mất đi một khoản thu.
“Còn nếu doanh nghiệp kêu khó, không chấp nhận đóng một cục, thì chúng ta cứ để lại cho đời sau, đến khi con cháu chúng ta thông minh hơn sẽ khai thác. Thế nhưng, việc để lại cũng phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chứ không thì rồi vàng cũng mất, mà Nhà nước cũng sẽ thất thu.
Điều quan trọng nhất, Nhà nước muốn quản lý được vàng thì phải đừng vì lợi ích nhóm. Những loại khoáng sản quý hiếm như thế này phải được đấu thầu quyền khai thác một cách công khai, minh bạch,” bà Yên lưu ý./.
Theo đánh giá của Tổng cục Địa chất-Khoáng sản Việt Nam, mặc dù các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 đã được ban hành khá đầy đủ, thế nhưng, đến nay công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Đáng quan tâm nhất là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, hoạt động khai thác khoáng sản còn những tồn tại, bất cập như khai thác gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc dư luận xã hội, tác động xấu đối với cảnh quan du lịch, chưa kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế…