Giá dầu thế giới giảm trong phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày 17/8 do những quan ngại về tình hình tại Afghanistan, đồng USD mạnh lên và số ca mắc COVID-19 tăng tại Nhật Bản đã làm suy yếu thêm triển vọng nhu cầu tại châu Á. ầu Brent biển Bắc giảm 48 xu Mỹ (0,7%) xuống 69,03 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 70 xu Mỹ (1%) xuống 66,59 USD/thùng.
Đồng USD đã tăng giá phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày 17/8, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Các nguồn tin thị trường cho hay giá dầu đã nới rộng đà giảm sau số liệu từ Viện Xăng Dầu Mỹ (API) cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ giảm, phù hợp với các dự báo trong tuần trước.
Ngày 17/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm về tình hình an ninh ở Afghanistan. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiến hành họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo đồng minh khác vào tuần tới.
Thủ tướng Johnson là lãnh đạo đồng cấp nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Mỹ trao đổi sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 15/8.
[Bất ổn tại Afghanistan khiến giá dầu châu Á giảm hơn 1%]
Thông báo của Nhà Trắng cho hay hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhu cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các đồng minh và đối tác về chính sách Afghanistan trong tương lai, gồm những cách thức cộng đồng toàn cầu có thể hỗ trợ và hỗ trợ nhân đạo hơn nữa cho người tị nạn và những người Afghanistan dễ bị tổn thương khác.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin đã tạm ngừng viện trợ cho Afghanistan và sẽ phối hợp cùng các đối tác EU nhằm cung cấp viện trợ cho các nước láng giềng phải đối mặt với dòng người di cư từ Afghanistan.
Trong khi đó, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đã gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và các khu vực khác trong ngày 17/8, đồng thời thông báo các biện pháp mới tại bảy quận khác để ngăn chặn số ca mắc COVID-19 gia tăng, hiện đang đe dọa đến hệ thống y tế.
Số liệu công bố ngày 16/8 cho thấy hoạt động xử lý dầu thô hàng ngày tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong tháng 7/2021 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Điều này là do các nhà máy sản xuất dầu độc lập cắt giảm sản lượng trong bối cảnh hạn ngạch thắt chặt hơn, lượng hàng dự trữ ở mức cao, còn lợi nhuận suy yếu.
Sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7/2021 cũng chậm lại và không đạt kỳ vọng do đợt bùng phát dịch COVID-19 mới và trận lũ lụt lịch sử tại miền trung Trung Quốc đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Về nguồn cung cho thị trường dầu, theo số liệu của Chính phủ Mỹ ngày 16/8, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 8,1 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Tuần trước, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng dầu để giải quyết tình trạng giá xăng tăng cao.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dẫn các nguồn tin cho hay OPEC+ cho rằng thị trường không cần nhiều dầu thô hơn mức nhóm này dự định sẽ “bơm vào” trong những tháng tới./.