Quản trị công ty tốt quyết định khả năng cạnh tranh của nền kinh tế

Quản trị công ty tốt sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quản lý rủi ro về môi trường-xã hội-quản trị, khai thác tốt hơn những đóng góp của cổ đông, chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng.
Hội nghị Bàn tròn châu Á - OECD về Quản trị Công ty năm 2022, ngày 20-21/10. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và công bằng hơn. Theo đó, quản trị công ty tốt đóng vai trò thiết yếu quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên diện rộng.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Hội nghị Bàn tròn châu Á - OECD về Quản trị Công ty năm 2022 với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cơ quan Hợp tác phát triển Thuỵ sỹ (SECO), ngày 20-21/10.

Hỗ trợ quản lý rủi ro

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh quản trị công ty tốt sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG), khai thác tốt hơn những đóng góp quan trọng của các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng cũng như sự thành công lâu dài của doanh nghiệp.

Vượt qua nhiều khó khăn gây ra bởi dịch bệnh COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm 2020-2021 đồng thời ghi nhận những nỗ lực từ phía các doanh nghiệp niêm yết trong việc duy trì và thực hiện các công tác quản trị, kiểm soát rủi ro để có thể thích ứng.

[OECD: Tăng cường cam kết với Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu]

Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao việc nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin trong việc cho phép các cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông trực tuyến và biểu quyết thông qua trên nền tảng bảo mật của Trung tâm Lưu ký. Nhờ đó, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo quyền cổ đông ở khía cạnh tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông.

Song, Thứ trưởng Chi cho rằng cần thực thi những biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao nền tảng quản trị công ty cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

“Hệ thống pháp luật đầy đủ sẽ góp phần hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, bản thân từng doanh nghiệp, thành viên Hội đồng quản trị và thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của quản trị công ty đối với từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế,” Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Minh bạch thông tin, bảo vệ cổ đông

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, các báo cáo đánh giá việc thực thi quản trị công ty cho thấy vai trò lãnh đạo của hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp đại chúng là rất quan trọng. Cụ thể, hội đồng quản trị đòi hỏi có tầm nhìn và cam kết cho một khuôn khổ, cơ chế đảm bảo quản trị tốt, minh bạch thông tin, tôn trọng quyền lợi cổ đông và các bên liên quan.

Ông Nguyễn Đức Chi chỉ ra việc cải thiện quản trị cần được thực thi ở khía cạnh cấu trúc quyền lợi và trách nhiệm trong quản trị, như sự minh bạch trong phân công trách nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị, từ đó nâng cao vai trò kiểm toán nội bộ, công bố và minh bạch thông tin, nâng cao các thực hành bảo vệ quyền lợi cổ đông và các bên liên quan.

Để đạt kết quả tốt, vị lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh việc cải thiện quản trị công ty của các công ty đại chúng đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên khác nhau, từ các cơ quan quản lý, người tham gia thị trường và các cổ đông.

Tại hội nghị, ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng thư ký, OECD chia sẻ Hội nghị Bàn tròn OECD - châu Á đóng vai trò như một diễn đàn khu vực nhằm thúc đẩy đối thoại chính sách về quản trị công ty và tài chính doanh nghiệp giữa các nền kinh tế trong khu vực. Mục tiêu bao trùm của sự kiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng trưởng bền vững bằng cách hỗ trợ các chính sách, thông lệ quản trị công ty tốt trong khu vực phù hợp với các Nguyên tắc quản trị công ty G20/OECD.

Ông Yoshiki Takeuchi cho biết hội nghị bàn tròn được hỗ trợ bởi công việc phân tích và nghiên cứu so sánh về các vấn đề quản trị công ty và tài chính doanh nghiệp mà các thành viên đang phải đối mặt.

“Cuộc thảo luận chính sách được hưởng lợi từ kinh nghiệm của Ủy ban Quản trị công ty OECD, nhằm giúp nâng cao các tiêu chuẩn quản trị công ty phù hợp với các Nguyên tắc Quản trị Công ty của G20/OECD. Cụ thể, cách tiếp cận này mang tính bao trùm và thúc đẩy quyền sở hữu của các bên ra quyết định trong khu vực, bao gồm hướng dẫn về các kết quả được tạo ra,” ông Yoshiki nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục