Nhằm mở rộng hơn nữa cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV) đã tổ chức buổi tọa đàm về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều doanh nghiệp Đức.
Sự kiện diễn ra tại trụ sở Tập đoàn Schaeffler ở thành phố Herzogenaurach thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức.
Ngày 25/5, phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Vũ Quang Minh đã thông tin về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Đức cũng như tiềm năng thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Đại sứ nhấn mạnh một số lý do khiến Việt Nam hiện trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Đức.
Trước tiên, Việt Nam và Đức có đầy đủ khuôn khổ hợp tác cần thiết, trong đó hai nước cũng luôn phối hợp để cập nhật và hoàn thiện Kế hoạch Hành động chiến lược giai đoạn 2022-2023 với những định hướng lớn cho quan hệ hai nước.
Sau hơn một thập kỷ hợp tác hiệu quả, Đức đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại số một của Đức trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2021 càng tạo cơ hội rộng mở cho hai bên thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư.
Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực mới đây, thị trường cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, bao gồm các sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), sẽ được mở rộng đáng kể.
[Giới doanh nghiệp Đức kỳ vọng lớn vào sự hợp tác với Việt Nam]
Thứ hai, Việt Nam là một trong số quốc gia có Luật FDI thuận lợi nhất trong khu vực và trên thế giới. Ngay cả trong thời gian đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, dự kiến tăng ít nhất 10% trong năm nay so với năm 2021 - năm mà vốn đăng ký FDI đã vượt ngưỡng 31 tỷ USD, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút hơn 18 tỷ USD.
Thứ ba, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phục hồi nhanh nhất sau đại dịch COVID-19. Riêng bốn tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu đạt trên 122 tỷ USD, tăng 16,5%.
Số lượng công ty mở cửa trở lại tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt số doanh nghiệp mới đăng ký trong tháng 4/2022 lần đầu tiên đạt 15.000 doanh nghiệp/tháng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo mức tăng trưởng cao của Việt Nam trong năm nay, từ 5,3-6,5%.
Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, điểm quan trọng nữa là hai nền kinh tế Đức và Việt Nam là sự bổ sung hoàn hảo cho nhau. Nhân dịp này, Đại sứ kêu gọi các doanh nghiệp Đức đã và đang hoạt động hiệu quả ở Việt Nam truyền tải và lan toả rộng rãi thông tin về một đối tác tiềm năng và tin cậy tới cộng đồng các doanh nghiệp Đức thông qua các hoạt động và trải nghiệm của mình ở Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Đức tin tưởng tới tìm hiểu, đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Andreas Schick, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Việt Nam thuộc OAV, thành viên Ban Giám đốc Tập đoàn Schaeffler, đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động ở Việt Nam, giới thiệu về tập đoàn Schaeffler cũng như trình bày chiến lược mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Tập đoàn Schaeffler là nhà đầu tư lớn thứ hai của Đức tại Việt Nam, hoạt động tại khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chuyên cung cấp các giải pháp về linh kiện, hệ thống và vòng bi có độ chính xác cao.
Theo ông Schick, Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do hạ tầng giao thông được cải thiện, có điều kiện phát triển các nguồn năng lượng xanh và sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào về số lượng và được đào tạo, có thể phát triển nguồn nhân lực về khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin...
Ông cho biết mặc dù Schaeffler là tập đoàn sản xuất công nghiệp, song phát triển bền vững tiếp tục là chiến lược quan trọng trong những năm tiếp theo bất chấp những bất ổn về địa chính trị hiện nay trên thế giới.
Schaeffler cũng luôn chú trọng vào trách nhiệm xã hội và sẽ hoạt động dựa trên mục tiêu trung hòa khí hậu từ năm 2040.
Thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp và đối tác Việt Nam để khai thác khả năng mở rộng sản xuất, đồng thời với việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính tạo ra từ các sản phẩm và nguyên liệu thô trong chuỗi cung ứng.
Ông cũng mong muốn Việt Nam cần cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và dịch vụ logistics để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán phụ trách bộ phận đầu tư thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã trình bày về chính sách thu hút vốn FDI cũng như các ưu tiên, ưu đãi trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất.
Theo ông, tính đến cuối năm 2021, Đức có tổng cộng 415 dự án FDI hiệu quả ở Việt Nam với tổng số vốn 2,29 tỷ USD, trong đó lớn nhất là dự án năng lượng Mặt Trời ở Thanh Hóa với số vốn đăng ký 190 triệu USD.
Ông cũng cho biết Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, như chi phí lao động thấp, nguồn lao động dồi dào, tiềm lực sản xuất lớn, các FTA...
Ông khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo, đặc biệt lợi thế về công nghệ của các doanh nghiệp Đức nói chung và lĩnh vực sản xuất của Đức nói riêng rất phù hợp với quy hoạch phát triển của Việt Nam./.