Quảng bá đất nước và môi trường đầu tư Việt Nam tại Đức

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã tổ chức cuộc tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến của các doanh nghiệp Đức” nhằm quảng bá về đất nước và môi trường đầu tư Việt Nam với doanh nghiệp Đức.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Trong khuôn khổ "Tuần lễ châu Á-Thái Bình Dương" đang diễn ra tại thủ đô Berlin của Đức, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến của các doanh nghiệp Đức” nhằm quảng bá về đất nước và môi trường đầu tư Việt Nam với các doanh nghiệp Đức cũng như các doanh nghiệp người Việt tại Đức.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh cùng hàng chục doanh nghiệp Đức và Việt Nam tại Đức đã tham dự tọa đàm.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin ngày 19/5, phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh nhấn mạnh ý nghĩa của buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ "Tuần lễ châu Á-Thái Bình Dương," đặc biệt vào thời điểm Việt Nam và Đức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đại sứ khẳng định những năm gần đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là nguồn động lực mới, trẻ trung, mạnh mẽ của nền kinh tế, nơi chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu.

Sau khi hai nước thiết quan hệ đối tác chiến lược năm 2011, Đức liên tục là đối tác thương mại lớn nhất và nhà tài trợ lớn của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Việt Nam cũng là đối tác quan trọng hàng đầu của Đức tại khu vực.

Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh nhấn mạnh hai nước đang hướng tới mục tiêu sớm đạt 10 tỷ euro kim ngạch thương mại song phương, trong khi hai bên thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, theo Đại sứ, hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Đức thời gian qua chưa phản ánh đúng tiềm năng hợp tác và khai thác triệt để ưu thế của khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, một thực tế mà chính phủ và doanh nghiệp hai nước đều nhận thức rõ và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp đột phá. Đại sứ khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ luôn duy trì sự hiện diện của mình như chiếc cầu nối, hỗ trợ cho các hoạt động hợp tác song phương.

Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quan hệ giữa Đức và Việt Nam đã trải qua một quá trình làm tiền đề và cơ sở cho những đột phá như trong giai đoạn hiện nay. Hai nước luôn có những chia sẻ và có lợi ích chung trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho mối quan hệ song phương phát triển không ngừng cả về chiều rộng và chiều sâu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc tọa đàm. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam cũng như Đức đều có vai trò quan trọng trong kinh tế khu vực cũng như trong hội nhập kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam đã khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong suốt tiến trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế thông qua một chính sách nhất quán và xuyên suốt trong việc mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới.

Việt Nam hiện đã tham gia nhiều tổ chức và hiệp định kinh tế quan trọng, như WTO, AFTA và là thành viên tích cực trong các khuôn khổ hội nhập mới với rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và sẽ tiếp tục được ký kết trong những năm tới, trong đó phải kể tới FTA với EU và Liên minh Thuế quan giữa Nga, Belarus và Kazakhstan, hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc chủ động tăng cường đàm phán mở cửa thị trường một mặt tạo ra những cơ hội, song cũng là những thách thức trong việc hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông bày tỏ sẽ có sự bùng nổ trong hợp tác giữa Việt Nam và Đức cũng như các đối tác khác trong EU trong những năm tới. Ông cũng nhấn mạnh việc Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế hành chính, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư, kinh doanh sẽ mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Đức, đặc biệt trong các lĩnh vực dạy nghề, chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam với môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định được duy trì liên tục trong nhiều thập kỷ qua, lực lượng lao động trẻ và những chính sách nhất quán là những điều kiện lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào tìm hiểu làm ăn tại Việt Nam. Đây cũng là mong muốn và ý chí chính trị của lãnh đạo hai nước trong việc nâng tầm và mở rộng hợp tác song phương, phù hợp với nguyện vọng nhân dân hai nước.

Ông cũng khẳng định cộng đồng doanh nghiệp hai nước chính là nhân tố quan trọng giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Đức.

Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm, ông Hoàng Trung Hiếu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Đại sứ quán cũng đã có bài thuyết trình giới thiệu về các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Giáo sư-tiến sỹ Willfried Lulei - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội Đức-Việt, trình bày về mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức trong 40 năm qua. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự cũng được xem đoạn video giới thiệu môi trường đầu tư và nghe giáo sư, tiến sỹ Willfried Lulei - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội Đức-Việt, trình bày về tổng quan mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức trong suốt 40 năm qua.

Cuối buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời các câu hỏi về môi trường và chính sách đầu tư tại Việt Nam.

Cuộc tọa đàm đã diễn ra thành công khi thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp Đức cũng như các doanh nghiệp Việt Nam ở Đức. Nhiều vấn đề về chính sách và đầu tư đã được các đại diện Việt Nam thẳng thắn trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với các đại biểu ngay tại cuộc tọa đàm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục