Quảng bá du lịch Việt Nam: ‘Cuộc chơi’ cần những đột phá mới

"Quan trọng nhất là ngồi với nhau, bàn cơ chế, cách làm thế nào tốt và mỗi thực thể tham gia ‘cuộc chơi’ sẽ làm tốt phần của mình thì việc xúc tiến, quảng bá sẽ tốt hơn," ông Đinh Ngọc Đức chia sẻ.
Du khách quốc tế tập Tachi trên du thuyền trong hành trình thăm quan Vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV)

“Tôi nghĩ, câu chuyện quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam gói gọn trong hai từ: phấn khởi nhưng rất vất vả. Phấn khởi là vì, trong thời gian gần đây với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và sự vận động của các doanh nghiệp, khách du lịch quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, doanh thu cũng như đóng góp vào GDP của ngành du lịch tăng. Cả đất nước vào cuộc trong công cuộc này… Tuy nhiên, chúng ta còn vất vả vì hiện tại tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn thấp, con người còn yếu…”

Đó là nhận định của ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, tại buổi tọa đàm “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá,” do báo Nhân Dân điện tử tổ chức ngày hôm qua (6/8).

[Quảng bá du lịch Việt Nam trước ‘vòng xoáy’ của trào lưu E-marketing]

Vậy ngành du lịch cần có những giải pháp đột phá nào để việc quảng bá, xúc tiến du lịch có thể mau chóng tạo những bước ngoặt mới, đạt hiệu quả tốt hơn? Cùng nghe các chuyên gia tư vấn.

Du lịch không phải chỉ là việc của lữ hành, khách sạn…

Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong, để quảng bá xúc tiến đạt hiệu quả cao cần triển khai bốn nhiệm vụ.

Thứ nhất, phải xác định thị trường quảng bá. Mỗi thị trường phải cần sản phẩm đi liền với nó. Thí dụ, thị trường Nhật Bản và thị trường Ấn Độ hoàn toàn khác nhau, nếu chúng ta dùng cùng một sản phẩm quảng bá cho hai thị trường này thì một trong hai thị trường sẽ hỏng. Thứ hai, chọn sản phẩm thế mạnh để quảng bá. Thí dụ, tại thị trường Ấn Độ, nếu đem phở Việt Nam quảng bá thì không ai quan tâm.

Khách quốc tế thăm quan điểm đến Việt Nam. (Ảnh: CTV)

Thứ ba, công cụ sử dụng quảng bá. Nếu chúng ta có bộ công cụ quảng bá không tốt thì làm sẽ rất mất công và kéo dài thời gian. Thứ tư là khâu phục vụ. Nếu chúng ta xác định thị trường tốt, công cụ tốt nhưng khâu cuối cùng phục vụ không tốt thì chắc chắn không thể đẩy mạnh thị trường du lịch Việt Nam phát triển.

Làm du lịch không phải là mỗi đơn vị lữ hành, khách sạn phục vụ mà tất cả các khâu từ lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, đơn vị bán hàng… đều phải có thái độ niềm nở để khách thấy hài lòng khi trở về. Nếu khách đến cửa khẩu mà đã khó khăn trong nhập xuất cảnh thì chắc chắn sẽ không có nụ cười nào khi họ trở về.

Cần một Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia?

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, nên thành lập một Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia, với thành phần là cả cơ quan quản lý nhà nước và có cả đại diện của các hiệp hội, các doanh nghiệp tham gia để cùng có ý kiến, thậm chí là cùng đóng góp vào quỹ xúc tiến du lịch.

Đồng tình với quan điểm của ông Chính, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam lấy ví dụ Thái Lan là quốc gia phát triển du lịch từ rất lâu và thông qua nhiều lần cải tiến công tác này. Năm 1979, Thái Lan quyết định thành lập Hội đồng Xúc tiến du lịch, chuyên tâm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đất nước, có hẳn cơ quan làm việc đó và họ có kinh phí hoạt động.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Hay Singapore là đất nước nhỏ bé, tài nguyên cũng không hơn Việt Nam. Từ năm 1964, Singapore đã quyết tâm phát triển du lịch và họ thành lập Hội đồng xúc tiến du lịch. Đến bây giờ, đất nước có vài triệu dân, nhưng họ đón 18,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Malaysia phát triển sau một số nước vừa nêu, nhưng đến năm 1952, Malaysia thành lập Hội đồng xúc tiến du lịch của nước này. Sau đó lượng khách đến rất đông...

“Câu chuyện ở đây thứ nhất là mô hình tổ chức, cần có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để tập hợp cơ sở nguồn lực. Thứ hai là cách làm, mọi người hay đặt vấn đề kinh phí nhưng trong thực tế, với hoàn cảnh của mỗi đất nước, địa phương, chúng ta phải tìm giải pháp phù hợp," ông Thắng chia sẻ.

"Đất nước láng giềng của chúng ta là Campuchia, kinh phí làm xúc tiến du lịch không nhiều, khi tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, gian hàng của họ nhỏ thôi, nhưng chuyên nghiệp và luôn để lại dấu ấn đậm nét. Họ luôn mang theo hình ảnh đền Angkor để giới thiệu với thế giới. Từ chuyện thu hút khách đến đền Angkor, khách du lịch đến với khắp đất nước Campuchia." 

Với vấn đề thu hút nguồn lực, ông Thắng đưa ra phương án, một là chiếu theo chiều dọc từ các cơ quan trung ương của nhà nước về du lịch, làm đầu tàu cho các cơ sở, cơ quan quản lý du lịch địa phương, hai là cơ quan quản lý nhà nước phụ trách công tác xúc tiến làm thế nào để phối hợp các ngành khác. Song song là các điểm đến du lịch, đó là thu hút nguồn lực theo chiều ngang. Nếu xúc tiến tốt điểm đến thì chúng ta sẽ làm tốt xúc tiến du lịch.

Hãy để những nụ cười này theo chân du khách trở về quê nhà sau hành trình khám phá Việt Nam. (Ảnh: CTV)

Hãy làm tốt phần việc của mình trong ‘cuộc chơi’

Theo quan điểm của ông Đinh Ngọc Đức, để làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thì toàn ngành “ngồi lại với nhau” và mỗi người làm tốt vai trò, vị trí của mình.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò, vị trí không ai thay thế được là định hướng, xác định thị trường, đưa ra chiến lược, sách lược… hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam tới các thị trường trọng điểm.

Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò là đầu tàu kết nối, dẫn dắt hỗ trợ kết nối các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp làm thế nào đi theo một hướng, quy tụ lại với nhau từ nguồn lực do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho Trung ương, địa phương, từ ngân sách có thể có của các doanh nghiệp và từ các bên…

Các địa phương phải quản trị tốt công tác xúc tiến quảng bá của mình. Các doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước để khai thác thị trường. Không ai khác doanh nghiệp mới là người bán sản phẩm cụ thể.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

“Trong quảng bá xúc tiến, không phải nói hay mà là làm hay. Làm hay nghĩa là, người dân du lịch đến đó có nhận được thái độ cởi mở của người dân địa phương hay không, sản phẩm tốt, an toàn hay không và vai trò cơ quan quản lý ở địa phương như thế nào. Tôi nghĩ nguồn lực chỉ là một phần, quan trọng nhất là ngồi với nhau, bàn cơ chế, cách làm thế nào tốt và mỗi thực thể tham gia ‘cuộc chơi’ sẽ làm tốt phần của mình thì việc xúc tiến, quảng bá sẽ tốt hơn,” ông Đức nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục