Quảng Nam: Bắt hai đối tượng xâm nhập trái phép mạng viễn thông

Theo Thượng tá Pham Văn Sơn, các đối tượng cảnh giác cao, sử dụng xe ôtô để di chuyển khi thực hiện hành vi, liên tục thay đổi địa điểm để né tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng.
Quảng Nam: Bắt hai đối tượng xâm nhập trái phép mạng viễn thông ảnh 1Hai đối tượng Chinh và An cùng tang vật vụ án.

Tối 24/3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, đã khởi tố vụ án "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông"; áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giữ hai đối tượng trong vụ án là Phạm Đức An (sinh năm 1992, trú tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) và Đỗ Quốc Chinh (sinh năm 1990, trú tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

Trước đó, vào khoảng 20 giờ ngày 21/3, tổ công tác Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam dừng kiểm tra xe ô tô BKS 92A- 061.97 do Phạm Đức An điều khiển; trên xe lúc này có Đỗ Quốc Chinh. Thời điểm này, trên xe có 1 máy tính xách tay đang bật màn hình và các thiết bị khác.

Nghi vấn là thiết bị giả mạo trạm phát BTS - trạm viễn thông di động, kiểm tra máy tính, lực lượng chức năng phát hiện 1 phần mềm đang chạy thể hiện các thông số các mạng di động tại vị trí xe ôtô đang đỗ.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, Đỗ Quốc Chinh quen biết một người đàn ông có quốc tịch Trung Quốc đã nhận 1 máy tính và 2 thiết bị giả trạm BTS các nhà mạng từ người này nhằm phát tán tin nhắn quảng cáo qua SMS bằng phần mềm Teminal.

[Phú Yên: Tạm giữ đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo gần 300 người]

Người này cũng đã hướng dẫn cách cài đặt, cách thức phát tán tin nhắn cho Chinh. Quy ước 10.000 tin nhắn được gửi đi, người này sẽ trả cho Chinh 500.000 đồng qua ví tiền ảo USDT.

Sau khi cài đặt và thực hiện phát tán tin nhắn thành công, Chinh đã hướng dẫn cho em ruột là Đỗ Quốc Bảo thực hiện. Chinh cũng đã hướng dẫn và thuê Phạm Đức An thực hiện việc này và trả công cho An 400.000 đồng/10.000 tin nhắn được phát tán.

Từ khi thực hiện hành vi sử dụng thiết bị lập trạm BTS giả để phát tán tin nhắn SMS đến nay, Chinh được người đàn ông Trung Quốc trả khoảng 5000 USDT, tương đương 110 triệu đồng, trong đó Chinh đã chuyển cho Bảo 30 triệu đồng và An 30 triệu đồng.

Các đối tượng đã thực hiện việc phát tán tin nhắn đến các thuê bao di động tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng.

Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Thượng tá Phạm Văn Sơn cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều tin nhắn rác, quảng cáo được gửi đến thuê bao di động của người dân, việc này đã gây phiền toái nhiều cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

“Chúng tôi nhận thấy việc này có dấu hiệu của hành vi “xâm nhập trái phép mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” nên đã vào cuộc điều tra. Qua đấu tranh nhận thấy, các đối tượng có phương thức thủ đoạn rất tinh vi, chuyên nghiệp, thiết bị kỹ thuật hiện đại, cách thức phạm tội lần đầu tiên xảy ra tại địa phương,” Thượng tá Sơn nói.

Cũng theo Thượng tá Pham Văn Sơn, các đối tượng cảnh giác cao, sử dụng xe ôtô để di chuyển khi thực hiện hành vi, liên tục thay đổi địa điểm để né tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng.

Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một chiếc tàu chở tàu không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Phát hiện 2 tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Tàu cá TG 92267 TS trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có hành vi chở dầu DO không rõ nguồn gốc; một chiếc tàu khác do ông Nguyễn Thanh làm thuyền trưởng cũng bị bắt giữ ở khu vực biển Khánh Hòa.