Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam Lê Quang Trung thông tin từ sáng đến trưa 27/10, trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, một số nơi như xã vùng cao Phước Thành, lượng mưa đo được lên đến 103,8mm.
Đến chiều cùng ngày, lượng mưa trên địa bàn huyện vùng cao Phước Sơn đã giảm hẳn.
“Phước Sơn là huyện vùng cao thường xuyên bị sạt lở núi, ách tắt giao thông. Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mưa lũ do bão bão Trami gây ra, huyện Phước Sơn đã sớm kích hoạt mọi kịch bản phù hợp với đặc thù vùng cao đã chuẩn bị trước, phù hợp với tập quán của đồng bào để ứng phó với mưa lũ. Nhờ vậy mọi công tác ứng phó với mưa lũ đều có hiệu quả bước đầu,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn chia sẻ.
Thực hiện các Công điện chỉ đạo của tỉnh về chủ động ứng phó bão Trami (bão số 6), Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tổ chức trực và chủ động triển khai ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ; truyền tải kịp thời và thường xuyên các bản tin về bão, mưa lớn trên nhóm zalo phòng, chống lụt bão từ huyện đến từng xã để các địa phương nắm kịp thời tình hình mưa bão để ứng phó.
Qua kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó trước khi bão số 6 vào vùng biển và đất liền nước ta, hầu hết các xã trong huyện vùng cao Phước Sơn đã thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị ứng phó với bão, mưa lớn, tuyên truyền rộng rãi đến người dân nắm bắt thông tin để chủ động ứng phó.
Các lực lượng vũ trang gồm công an huyện, huyện đội tổ chức cán bộ, chiến sỹ đứng điểm tại các xã để nắm tình hình, hướng dẫn nhân dân phòng tránh bão một cách cụ thể, phù hợp với tập quán của đồng bào.
Các địa phương cử lực lượng về từng khu dân cư, nhất là khu dân cư có nguy cơ sạt lở núi cao để hỗ trợ cho đồng bào.
Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Truyền hình huyện Phước Sơn, các Đài Truyền thanh cơ sở đã tăng cường thời lượng phát thanh tuyên truyền về tình hình diễn biến bão, mưa lũ; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, các biện pháp phòng tránh về bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn, đến trưa 27/10, huyện đã tổ chức sơ tán các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ cao tại các xã Phước Lộc, Phước Thành với 90 hộ, trong đó có 37 hộ với 164 khẩu ở xen ghép với người thân, 53 hộ với 164 khẩu được sơ tán đến Nhà văn hóa thôn, nhà tránh bão thôn, các trường học, Ủy ban Nhân dân xã và ở ghép tại một số nhà dân kiên cố.
Là một trong những hộ được đưa đến ở tạm tại Ủy ban Nhân dân xã Phước Thành để phòng ngừa rủi ro, chị Hồ Thị Kim vui vẻ nói, sáng nay, gia đình chị có 5 người đã được địa phương dùng xe máy chở đến trụ sở ủy ban xã để ở tạm và được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống nên rất yên tâm.
Nhờ chủ động và sớm triển khai các biện pháp phòng ngừa, chủ động di chuyển người đến nơi an toàn, trên địa bàn huyện Phước Sơn chỉ có 7 nhà ở của đồng bào ở các xã Phước Thành, Phước Hòa bị tốc mái, song không có ai bị thương.
Mưa lớn cũng khiến một số xã vùng cao bị sự cố mất điện, Điện lực Phước Sơn đã cử lực lượng xử lý kịp thời, đảm bảo phục vụ người dân an toàn, hiệu quả. Mưa lớn còn gây sạt lở một số tuyến đường liên huyện, liên xã, cây cối ngã đỗ ảnh hưởng đến lưu thông.
Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương huy động lực lượng tại chỗ, lực lượng xung kích khắc phục tạm thời, đồng thời cắm các biển cảnh báo tại các nơi nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở núi.
“Để phòng ngừa mưa lũ gây tắc đường, đồng bào bị thiếu lương thực, trước mùa mưa lũ năm nay, huyện Phước Sơn đã mua và dự trữ tại các xã vùng cao gồm Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Công, mỗi xã 5 tấn gạo để kịp thời cung cấp cho đồng bào, tuyệt đối không để bất kỳ hộ nào bị thiếu ăn do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên đến nay cuộc sống của người dân vẫn bình thường nên các địa phương chưa xuất kho gạo dự trữ,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn Lê Quang Trung thông tin.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn cho biết thêm đến chiều ngày 27/10, mưa đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, địa bàn phức tạp, mưa lũ diễn biến bất thường, huyện đã yêu cầu các ban ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm tình hình mưa, bão và thực hiện nghiêm các phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn nếu phát hiện điểm sạt lở mới.
Ở những khu vực có nguy cơ nước băng qua các ngầm, tràn, Ủy ban Nhân dân huyện đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và cử người canh giữ, ngăn chặn không cho người và phương tiện giao thông đi qua để phòng ngừa rủi ro.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện Phước Sơn đã chỉ đạo các xã vùng cao thường xuyên kiểm tra từng địa bàn khu dân cư, nhất là các cụm dân cư ở vùng sâu, vùng xa, kịp thời phát hiện các dấu hiệu của tình trạng nứt đồi núi, kịp thời báo cáo để khẩn trương thực hiện phương án di chuyển đồng bào đến nơi ở an toàn./.
Quảng Nam: Sơ tán người dân tại các điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét do bão số 6
Lãnh đạo huyện Tây Giang và huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã triển khai di dời hàng chục hộ dân ra khỏi các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt cao, do ảnh hưởng của bão số 6.