Quảng Nam: Sớm có giải pháp để đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường; nhiều nhóm người vào khai thác gây mất an ninh trật tự.
Quảng Nam: Sớm có giải pháp để đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu ảnh 1Lực ượng chức năng phát hiện nhiều máy móc mà các đối tượng dùng để khai thác vàng. (Ảnh minh họa. TTXVN phát)

Tình hình khai thác vàng trái phép khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, hiện diễn biến phức tạp. Nguyên nhân của tình trạng này do các bộ, ngành trung ương, địa phương chưa triển khai công tác đóng cửa mỏ sau khi đã hết hợp đồng với doanh nghiệp khai thác từ năm 2016 đến nay.

Diện tích khu vực mỏ vàng Bồng Miêu không lớn nhưng địa hình phức tạp, hiện chưa được bàn giao cho Ủy ban Nhân dân xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh quản lý.

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Sau khi mỏ vàng dừng hoạt động, người dân địa phương đã tổ chức từng nhóm người vào khai thác vàng trái phép, gây mất an ninh trật tự.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm sắp xếp, tổ chức buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Quảng Nam để thống nhất giải pháp, sớm triển khai Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Lãnh cho biết: Do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, thời gian gần đây, người dân trong vùng kéo lên khai thác vàng không phép ngày một đông, nhất là khu vực Thác Trắng và Suối Tre, Núi Kẽm, Đồi Sim, khu vực giáp ranh xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước… Ngoài ra, một bộ phận người dân không thực hiện đúng quy định về đất trồng cây lâm nghiệp mà sử dụng đất để khai thác vàng không phép.

Chính quyền xã đã tổ chức truy quét liên tục, tuy nhiên chưa ngăn chặn triệt để được tình trạng này. Nguyên nhân là những khu vực khai thác vàng trái phép có địa hình đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, các đối tượng khai thác vàng trong các hầm lò nhiều ngóc ngách rất khó cho việc truy quét, đẩy đuổi.

Thượng tá Trần Thế Hùng, Trưởng Công an huyện Phú Ninh, cho biết tính từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân xã Tam Lãnh tổ chức 40 đợt kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia.

Đặc biệt, là sau khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt cho triển khai kế hoạch số 579, Công an cùng lực lượng chức năng huyện, xã đã tổ chức 5 đợt truy quét liên tiếp với quy mô lớn, đưa cả xe cẩu múc vào san lấp các khu vực khai thác không phép, vô hiệu hóa nhiều thùng hóa chất và các phương tiện khai thác như: máy nổ, máy xay; triệt hạ các nhà lều bạt kiên cố.

Lực lượng truy quét cũng đã tháo dỡ, phá hủy, làm mất tác dụng hơn 60 lán trại, lều bạt, 90 bồn hóa chất, hơn 400 m2 bạt, 22 máy nổ, 15 máy phát điện, 26 cối xay, 4.500 m ống dây dẫn nước, hơn 600 m dây điện;… và rất nhiều công cụ, phương tiện lao động khác dùng để khai thác vàng trái phép, đẩy đuổi hàng trăm lượt đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực địa bàn quản lý.

Sau nhiều lần đi kiểm tra thực tế tại mỏ vàng Bồng Miêu, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, đã đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lên phương án quản lý chặt chẽ hiện trạng tại đây.

Ông Lê Trí Thanh cho biết tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Quảng Nam triển khai một số giải pháp cấp bách trong thời gian chờ thực hiện Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. 

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan làm thủ tục thu hồi 365 ha đất thuộc mỏ vàng Bồng Miêu để giao cho Ủy ban Nhân dân xã Tam Lãnh quản lý; tiến hành lập thủ tục đấu thầu, chọn nhà đầu tư uy tín và có năng lực để cấp phép khai thác.

[Quảng Nam truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép]

Cũng theo ông Lê Trí Thanh, mặc dù đã truy quét, đẩy đuổi nhưng việc này vẫn chưa xử lý tận gốc. Giải pháp tình thế trước mắt là xây dựng phương án tối ưu để xử lý triệt để các đối tượng tổ chức cầm đầu và các đối tượng khác; đồng thời tăng cường cho công an xã Tam Lãnh, 2 đến 3 công an chính quy, điều động có thời hạn công an xã khác về đây.

Đây là lực lượng nòng cốt phối hợp với các lực lượng khác để chốt chặn, cắt đường, nghiêm cấm các loại phương tiện không được ra vào khu vực này. Bên cạnh đó, bà con trong khu vực cần được tạo điều kiện có công ăn việc làm ổn định.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn khai thác vàng Bồng Miêu được Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) cấp phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh. Thời hạn giấy phép khai thác đến ngày 5/3/2016.

Tháng 7/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ đóng cửa mỏ và giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ đóng cửa mỏ đối với mỏ vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, đến nay đề án đóng cửa mỏ vàng vẫn chưa được thực hiện.

Việc đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu trong thời gian qua chỉ là việc làm tức thời, gây tốn kém chi phí truy quét, bảo vệ, thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Nếu các bộ, ngành và chính quyền địa phương không có giải pháp đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và bàn giao diện tích đất khu vực mỏ vàng Bồng Miêu cho địa phương quản lý thì tình hình ngày càng phức tạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục