Quảng Nam tháo gỡ khó khăn, nỗ lực khôi phục thị trường du lịch

Phát triển mô hình du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, tạo sản phẩm mới đột phá, phát huy giá trị di sản là định hướng lấy lại đà tăng trưởng của du lịch Quảng Nam sau dịch COVID-19.
Vẻ đẹp trầm mặc của những ngôi tháp Chăm cổ kính ở Quần thể di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Thống kê mới nhất cho thấy lũy kế trong hơn 6 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách tham quan đến Quảng Nam đạt hơn 1,3 triệu lượt người, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.300 tỷ đồng.

Tuy lượng khách và thu nhập xã hội từ du lịch giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là kết quả đáng khích lệ, tạo niềm tin để tỉnh vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn này sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế và đẩy lùi.

Du lịch xanh: Đầy triển vọng

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh chia sẻ việc khôi phục thị trường khách du lịch, nhất là khách du lịch nội địa, xác định hướng đi bền vững cho du lịch Quảng Nam đang là những nhiệm vụ trọng tâm được cộng đồng du lịch tỉnh quyết tâm thực hiện.

Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh nằm cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chưa tới 10 km, được mệnh danh là “Hòn Ngọc Xanh” của miền Trung.

Khác với cảnh đìu hiu vắng khách trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát; những ngày này, du khách đến tham quan, vui chơi giải trí, chụp hình tại khu du lịch khá đông vui, nhộn nhịp.

Điểm chụp hình “Nấc thang Thiên đường” cao khoảng 20 mét vừa mới xây dựng, được xem là điểm nhấn của Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh sau thời gian dài tạm nghỉ vì dịch COVID-19.

[Quảng Nam - điểm đến an toàn và mến khách của du khách]

Với các sản phẩm du lịch mới cùng chính sách giảm giá mạnh, lượng du khách đến tham quan tại khu du lịch đang tăng dần và đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chị Đặng Phạm Triều Vân, Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh cho biết sau khi dịch COVID -19 được kiểm soát, cùng với các giải pháp kích cầu, hạ giá các loại hình dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, chúng tôi đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, điển hình như “Nấc thang thiên đường” tại vị trí thuận lợi để du khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp của trời nước Phú Ninh, tận hưởng “Hòn Ngọc Xanh” của miền Trung mà thiên nhiên ban tặng.

Nép mình bên dòng sông Cổ Cò và cách không xa thành phố Đà Nẵng, Khu du lịch sinh thái Rừng Hà Gia, tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, là điểm đến được nhiều du khách nội địa lựa chọn trong mùa hè năm nay.

Hai sản phẩm mới khiến nhiều du khách không thể bỏ qua chính là khu vườn hơn 3.000 mét vuông trồng hoa hướng dương và dịch vụ trượt dây trên không Zip line đã trở thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn mạnh đối với giới trẻ.

Ông Huỳnh Tấn Quốc, Giám đốc điều hành Khu sinh thái Rừng Hà Gia cho biết chiến lược của chúng tôi trong giai đoạn này là thu hút khách du lịch nội địa. Chúng tôi thực hiện giảm giá mạnh, giảm giá nhưng không giảm chất lượng gắn với xây dựng nhiều sản phẩm mới để thu hút khách, khôi phục lại thị trường du lịch.

Phát huy giá trị di sản

Tại Hội thảo tái cơ cấu thị trường du lịch theo hướng xanh, bền vững tổ chức tại thành phố Hội An vào giữa tháng 6 vừa qua, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, ông Micheal Croft chia sẻ ngành Du lịch cần phải đi trước để đảm bảo rằng những tác động từ du lịch đối với môi trường, với Di sản đang được quản lý tốt và bền vững.

Đây là điều hết sức quan trọng trước khi triển khai bất kỳ dự án nào. Tỉnh Quảng Nam sở hữu nhiều di sản có giá trị và đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch.

Là một địa chỉ du lịch vừa quen thuộc vừa bí ẩn, có sức cuốn hút lớn, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế và đẩy lùi, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp như mở cửa thêm các địa điểm tham quan, hạ giá vé, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, tăng cường quảng bá để thu hút du khách.

Đặc biệt, một giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược bền vững đã được Ban Quản lý thực hiện là liên kết với các Di sản văn hóa thế giới trong cả nước cũng như các hãng lữ hành để tìm ra tiếng nói chung trong nỗ lực khôi phục và phát triển thị trường khách du lịch nội địa.

Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết: "Chúng tôi thực hiện biện pháp kết nối giữa các Di sản Văn hóa thế giới trong cả nước, kết nối những đơn vị vừa có chung nhiệm vụ là vừa bảo vệ, vừa phát huy các giá trị văn hóa, thực hiện kết nối giữa các hãng lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ, các điểm đến du lịch trong cả nước, các điểm đến trong hành trình Di sản miền Trung để chia sẻ lợi ích, tìm lại đà tăng trưởng chung cho ngành du lịch.”

Chính quyền đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng nhận định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử và sự kiện sẽ là những sản phẩm có khả năng lấy lại sự phục hồi cho ngành du lịch trong giai đoạn trước mắt.

Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế du lịch nhưng cũng tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp nhìn lại chặng đường hoạt động đã qua, đánh giá lại khả năng của mình để bước vào “sân chơi” lớn hơn nhằm cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững.

Đây là những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay để ngành du lịch Quảng Nam vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng. Những sản phẩm mới của Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh hay của Khu du lịch sinh thái Rừng Hà Gia là những sản phẩm điển hình, cần sớm nhân rộng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh dịch COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng cũng là cơ hội để nhìn lại chặng đường du lịch đã qua.

Cộng đồng doanh nghiệp du lịch phải tìm giải pháp thích nghi, đổi mới trong hoạt động nhằm tăng sức đề kháng và khả năng ứng phó khủng hoảng, sớm đón lại thị trường khách du lịch nội địa.

Quảng Nam sẽ tiếp tục khai thác bền vững, có trách nhiệm với 2 Di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn; khai thác hiệu quả những tiềm năng vô giá như nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, điểm đến hấp dẫn, yêu thích của bạn bè, du khách gần xa; địa đạo Kỳ Anh là một trong ba địa đạo lớn nhất hiện nay; làng cổ Lộc Yên là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, cùng với đó là nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng khác đang được khai thác có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần phát huy vai trò của mình phát triển theo mô hình du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm mới nhằm tạo đột phá, phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Đây cũng là cơ sở để cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững trong thời gian tới. Chính quyền và các ngành chức năng sẽ kề vai sát cánh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành du lịch vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục