Chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây là thời gian cao điểm các làng nghề truyền thống và chủ thể OCOP ở Quảng Ngãi tất bật sản xuất, tạo nhiều mẫu mã mới để cung ứng cho thị trường.
Từ giữa tháng 11 âm lịch hàng năm, những gia đình làm bánh mè truyền thống ở thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn liên tục đỏ lửa sản xuất.
Theo bà Võ Thị Kim Hoanh (60 tuổi) - một trong những người có kinh nghiệm làm bánh lâu đời và nổi tiếng ở đây cho biết, nếu ngày thường chỉ sản xuất khoảng 2.000 bánh thì đợt này tăng lên 5.000 bánh.
"Để làm ra một sản phẩm vừa hợp khẩu vị của nhiều khách hàng, vừa đẹp mắt, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ của người làm nghề. Làm bánh mè phải qua các công đoạn như xay gạo, nhồi, ray, cắt bột, hấp-sấy bánh, tẩm đường, lăn mè; trong đó, khâu sấy bánh với thắng đường là quan trọng nhất. Khi thắng đường phải làm sao để lên được màu vàng đẹp, không bị chai. Còn khi sấy bánh phải canh để chín đều, không bị sống nhưng cũng không bị cháy," bà Hoanh chia sẻ.
Tại cơ sở sản xuất bánh đậu xanh nướng Tam Bảo ở thành phố Quảng Ngãi, chủ cơ sở liên tục huy động nhân công tăng ca cả ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng. Vị thơm ngon đặc trưng của loại bánh truyền thống, gắn liền với văn hóa Quảng Ngãi nên bánh đậu xanh nướng Tam Bảo ngày càng được ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết. Đặc biệt, từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao thì đơn đặt hàng cũng tăng lên.
Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hơn 300 kg bánh, sản lượng cao hơn gấp 3 lần ngày thường, sản phẩm được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chị Nguyễn Thị Linh Hương, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nhật Liên cho hay, bánh đậu xanh Tam Bảo đã có truyền thống hàng chục năm trước, do ông bà, cha mẹ truyền lại.
Trước đây tất cả công đoạn đều làm thủ công. Để tiết kiệm thời gian, tăng công suất nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng, chị Hương đã nhập nhiều máy móc thiết bị hiện đại như máy sấy, máy đánh bột, khuôn ép bánh… Tuy nhiên, vẫn có những công đoạn bắt buộc phải làm thủ công. Do đó, hiện cơ sở vẫn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, chị Hương cho hay.
Việc các cơ sở sản xuất tăng công suất, sản lượng dịp cận Tết đã kéo theo nhu cầu tuyển lao động làm việc thời vụ. Đây là cơ hội để nhiều người lao động kiếm thêm thu nhập. Chị Bùi Thị Yến Loan, thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên cho biết ngày thường chị làm nông, nhưng cứ gần Tết lại đến các xưởng sản xuất bánh mè truyền thống tại địa phương làm việc kiếm thêm thu nhập để có một cái Tết no ấm hơn.
Các sản phẩm bánh, mứt truyền thống, đặc biệt là OCOP Quảng Ngãi đang ngày càng được nhiều khách hàng quan tâm, lựa chọn sử dụng. Sản phẩm sản xuất để tiêu thụ trong dịp Tết được thay đổi bao bì, mẫu mã đẹp hơn, bắt mắt hơn. Trên từng sản phẩm đều có mã vạch, QR để truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên chọn làm quà biếu, tặng.
Anh Nguyễn Tiến Huấn, trú tại thành phố Quảng Ngãi, cho biết là một người làm kinh doanh, mỗi dịp Tết đến, xuân về, anh thường mua quà tặng cho đối tác, nhân viên của mình. Sản phẩm OCOP có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ổn định nên anh Huấn đã lựa chọn để tặng, biếu.
Quảng Ngãi có khoảng 5.500 cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động hiệu quả với 7 nhóm ngành nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP, về phát triển ngành nghề nông thôn. Nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn đã có sự cải tiến mẫu mã, chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định, được đánh giá OCOP 3 sao, 4 sao; trong đó, phần lớn là nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ thích hợp để làm quà biếu và tiêu dùng trong dịp Tết.
Tại các cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, hàng hóa với mẫu mã phong phú, chất lượng tốt được bổ sung lên kệ liên tục vì sức mua tăng vào dịp cận Tết. Sản phẩm OCOP được đưa vào giỏ quà Tết chủ yếu là sản phẩm trà, bánh mứt truyền thống và các thực phẩm chế biến tốt cho sức khỏe.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng OCOP đều có sự chuẩn bị chu đáo để tung ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất, đáp ứng nhu cầu biếu, tặng dịp tết.
Chị Trương Thị Thu Hường, Giám đốc Công ty cổ phần đặc sản Quảng Tín cho biết để chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cách đây mấy tháng, công ty đã bắt đầu giới thiệu qua các kênh bán hàng trên mạng xã hội, mua bán trực tuyến cũng như tại cửa hàng về sản phẩm, mẫu mã, giỏ quà với giá từ 300.000 đồng trở lên để khách hàng dễ lựa chọn.
Đắk Lắk: Làng nghề bánh tráng "chạy" đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán
Người dân làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn chia sẻ dù công việc giáp Tết có phần vất vả hơn nhưng rất vui khi nghề truyền thống của ông cha được phát triển và góp phần ổn định kinh tế cho người dân.
Ngoài ra, để phù hợp với xu hướng ngày càng có nhiều người chú trọng ăn uống theo xu hướng sức khỏe (healthy), sạch lành nên công ty giới thiệu nhiều dòng sản phẩm mới có giá phù hợp nhưng vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Thông thường, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán năm nào cũng tăng cao so với ngày thường. Do đó, đây cũng là thời gian vào mùa cao điểm để các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống, nhất là sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP tất bật sản xuất hàng hóa nhằm cung ứng cho thị trường./.