Quảng Ninh chủ động đối phó trước khi bão số 4 đổ bộ đất liền

Ngay trước khi bão số 4 có thể đổ bộ vào địa bàn, các ngành, địa phương trong tỉnh, Quảng Ninh đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống.
Quảng Ninh chủ động đối phó trước khi bão số 4 đổ bộ đất liền ảnh 1Quảng Ninh chủ động trước bão số 4, sau khi hứng chịu trận lũ lịch sử. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Bão số 4 (Mujigae) là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh (khoảng 20km/giờ), dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền vào rạng sáng ngày 5/10 và có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là khu vực miền Tây của tỉnh. Khi ảnh hưởng đến đất liền, bão sẽ gây mưa và gió lớn, dự báo lượng mưa khoảng 300-500mm.

Ngay trước khi bão số 4 có thể đổ bộ vào địa bàn, các ngành, địa phương trong tỉnh, Quảng Ninh đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, phó ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu đã yêu cầu các ngành, địa phương phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống phát thanh-truyền hình, truyền thanh cơ sở, truyền thanh lưu động đến từng địa bàn, cơ sở giúp người dân, các tổ chức nắm bắt được sát diễn biễn bão; thông tin tại các tuyến đảo, tiếp tục thông tin cho toàn bộ phương tiện, tàu thuyền trên biển về nơi tránh trú an toàn.

Với phương châm “4 tại chỗ,” các ngành, địa phương Quảng Ninh đang khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống bão như hệ thống xe, tàu, xuồng và các loại vật tư như bao cát, cuốc xẻng, bạt; rà soát lực lượng tác chiến, có kế hoạch cụ thể trong các trường hợp sơ tán, ứng cứu người dân khẩn cấp.

Thành phố Móng Cái được dự báo là cơn bão sẽ đổ bộ, chính quyền thành phố sớm có chỉ đạo các xã, phường thông tin chi tiết, liên tục về tình hình, vị trí cơn bão để nhân dân, các phương tiện tàu thuyền nắm bắt, chủ động phòng chống.

Đối với các xã phường nông nghiệp, chính quyền thành phố yêu cầu người dân khẩn trương thu hoạch phần diện tích lúa mùa đã chín, có phương án tiêu thoát nước cho những diện tích chưa thu hoạch.

Tại huyện đảo Cô Tô, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, ông Hoàng Bá Nam đã yêu cầu các xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn nắm lại toàn bộ tình hình nhân dân, khách du lịch, ngư dân đang đánh bắt thuỷ hải sản trên địa bàn huyện để tuyên truyền cho người dân biết đường đi và diễn biến của bão; vận động ngư dân đưa các phương tiện, tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Chuẩn bị phương án di dân tại những nơi mất an toàn đến nhà văn hoá thôn khu, các trường học và đảm bảo lương thực, thực phẩm hỗ trợ nhân dân; rà soát lại hệ thống cống thoát nước, hồ đập, các điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động khắc phục khi có sự cố xảy ra; thực hiện phương châm 4 tại chỗ, duy trì lực lượng sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ; kiểm tra rà soát vật tư, thiết bị để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Mông Dương, Cửa Ông và một số phường khác của thành phố Cẩm Phả nơi được dự báo có mưa lớn khi cơn bão số 4 đổ bộ, chính quyền cơ sở đã chủ động rà soát lại các khu vực sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở do đợt mưa lũ kéo dài vừa qua.

Riêng phường Mông Dương và Cửa Ông phối hợp cùng các đơn vị thi công gia cố chắc chắn lại các tuyến kè xung yếu, các tuyến ta-luy có nguy cơ sạt lở trên các tuyến giao thông, thực hiện khơi thông dòng chảy để đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, đặc biệt tại các khe suối thoát nước từ các khai trường, bãi thải nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của thành phố Cẩm Phả đã đi rà soát các khu vực nuôi trồng thủy sản, yêu cầu các chủ kinh doanh phải giằng buộc chắc chắn các lồng bè và tổ chức di chuyển người lên bờ từ chiều tối ngày 3/10. Hơn 200 tàu thuyền trên địa bàn đã được dẫn và thông báo phải di chuyển vào các khu vực tránh trú bão trên địa bàn thành phố.

Về ngành than, Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đang khẩn trương huy động lực lượng gia cố ngay những khu vực xung yếu, khơi thông dòng chảy, có phương án bảo đảm an toàn cho hầm lò, bãi thải của mỏ trong trường hợp mưa lớn xảy ra. Ngành than đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo an toàn cho các khu dân cư trong khu vực bãi thải.

Hiện chế độ trực và báo cáo tình hình về mưa bão được duy trì nghiêm túc 24/24 giờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục