Quảng Ninh khẩn cấp di dân, Móng Cái mất điện trên diện rộng

Bão số 3 đang đi vào gần bờ và gây mưa to, gió lớn trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ninh, lượng mưa đo được vào 17 giờ chiều 16/9 là khoảng 25mm.
Tàu thuyền ở Hải Phòng vào neo đậu tránh bão. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Bão số 3 đang đi vào gần bờ và gây mưa to, gió lớn trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Lượng mưa đo được vào 17 giờ chiều 16/9 là khoảng 25mm, sức gió giật cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 9.

Các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn tất công tác phòng, chống bão, di chuyển người đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Lúc 17 giờ ngày 16/9, thành phố Móng Cái đã mất điện trên diện rộng. Lãnh đạo thành phố và lực lượng chức năng đang khẩn trương di chuyển người dân còn lại ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, sống quanh những tuyến đê chưa đảm bảo an toàn. Có 1.644 hộ với 5.228 nhân khẩu được xác định phải sơ tán đến nơi công cộng hoặc nhà kiên cố, tuy nhiên công việc vẫn chưa được hoàn tất.

Bí thư thành phố Móng Cái Đào Xuân Ký nhấn mạnh việc cần triển khai ngay lúc này là vấn đề di dân trước khi cơn bão trực tiếp đổ bộ vào đất liền.

Khối lượng công việc chưa hoàn thành còn rất lớn nên cần khẩn trương thực hiện, huy động toàn bộ lực lượng và dốc toàn lực để làm xong công tác đưa người dân đến những khu vực an toàn trước thời điểm bão về, không được phép chủ quan và phải hạn chế tối thiểu về mặt tài sản cho nhân dân, không được để xảy ra thiệt hại về người.

Tính đến 12 giờ cùng ngày, Móng Cái không còn tàu thuyền khai thác thủy sản hoạt động trên biển. Toàn bộ 1.323 tàu, thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, trong đó có 14 chiếc neo đậu tại Cảng Cái Rồng. Số đò trên sông biên giới có 1.350 chiếc, đến 16 giờ còn 16 chiếc đang được tiếp tục triển khai đưa về neo đậu tại các bến.

Lồng bè chòi canh nuôi trồng thủy sản đã được gia cố xong, đồng thời địa phương cũng đã di chuyển toàn bộ 168 người dân trên lồng, bè, chòi lên bờ.

Tại huyện Hải Hà, tổng số 347/347 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn huyện đã về nơi tránh trú bão an toàn. Lúc 16 giờ cùng ngày, huyện đã sơ tán được 59/64 người dân nuôi trồng thủy sản trên lồng bè về đất liền tránh bão, hiện nay còn lại 5 người dân ở lại trông coi lồng bè, huyện đang yêu cầu toàn bộ người dân lên bờ.

Hải Hà cũng đã tiến hành sơ tán người già, trẻ nhỏ tại 55 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét đến các vị trí an toàn để tránh bão, huyện cũng đã bố trí lực lượng nằm vùng để kịp thời giúp dân xử lý tình huống.

Theo báo cáo nhanh của huyện Tiên Yên, tính đến 14 giờ cùng ngày, 364 tàu thuyền đánh bắt cá, 138 ô, lồng bè, 5 nhà nuôi trồng thủy sản đã vào nơi tránh trú bão an toàn và được neo buộc cẩn thận. Huyện cũng lên phương án di dân đối với 47 hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao về lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất đá; thành lập tổ cảnh báo lũ tại thượng nguồn sông Tiên Yên và sông phố Cũ.

Tại Đầm Hà, tổng số 347/347 phương tiện tàu, thuyền trên địa bàn huyện đã về nơi tránh trú bão an toàn. Tất cả các công trình đê điều đã được kiểm tra, rà soát, kịp thời gia cố xử lý các vị trí xung yếu, đảm bảo trước khi bão đổ bộ. Hồ chứa nước Đầm Hà Động đã xả nước theo đúng quy trình điều tiết được phê duyệt, mực nước trong hồ đang tiếp tục xả xuống cao trình an toàn + 59m.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, tính đến 17 giờ ngày 16/9, toàn bộ công tác phòng chống bão đã được hoàn tất. Cơn bão số 3 đi vào đất liền trong đêm đòi hỏi công tác phòng, chống phải được chuẩn bị cẩn trọng hơn.

Thực hiện kết luận số 261 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng về phòng, chống lụt bão, đến 6h ngày 16/9, toàn bộ phương tiện hoạt động trên biển tại khu vực đảo Bạch Long Vỹ đã được đưa về nơi tránh bão an toàn.

9 giờ ngày 16/9, toàn bộ các phương tiện giao thông, vận tải khách đã cấm hoạt động. Đến 17h cùng ngày, địa phương đã hoàn thành di dời các hộ dân khu vực nguy hiểm về nơi an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến 10 giờ ngày 16/9 đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho hơn 3.800 phương tiện với hơn 14.000 lao động, 515 lồng bè, 116 chòi canh đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến, biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh. Tại Bạch Long Vĩ, địa phương đã đưa lên bờ 135 phương tiện với 155 lao động.

Các lực lượng trên địa bàn cũng đã tổ chức sơ tán và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn về người ở các khu vực nguy hiểm cho hơn 13.000 người (bao gồm trên phương tiện và các khu vực xung yếu).

Để sẵn sàng đối phó với bão, các ngành, địa phương, đơn vị và lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, cụ thể bố trí gần 40.000 người trong lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài hai địa phương vùng thấp có nhiều khe suối và sông ngòi đi qua là Bảo Yên và Văn Bàn, thì Sa Pa và Bát Xát là 2 huyện đầu nguồn của tỉnh Lào Cai có địa hình dốc núi chia cắt mạnh, nhiều hồ đập thủy điện, thủy lợi. Hàng năm, khi vào mùa mưa lũ những địa bàn này thường hứng chịu những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất nghiêm trọng cướp đi mạng sống của con người, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân sinh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thường trực Ủy ban phòng, chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết nhằm giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ, năm nay tỉnh Lào Cai đã chủ động kiểm tra, rà soát thực hiện công tác hỗ trợ kinh phí và ngày công di dời người dân đến nơi ở mới. Thôn Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát năm 2008 từng hứng chịu trận lũ quét lịch sử, xóa sổ gần 20 nóc nhà, làm chết và mất tích nhiều người, năm nay đã được sắp xếp định cư ở khu đất mới.

Ông Nguyễn Đức Ca, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát cho biết: Bát Xát có nhiều khe suối và độ dốc lớn, quỹ đất sắp xếp dân cư không nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bát Xát cũng cơ bản sắp xếp ổn định dân cư tránh lũ theo đúng kế hoạch và tiến độ.

Tại xã Cốc San, huyện Bát Xát, năm 2008 cũng từng xảy ra sạt đất làm chết người, đến nay đã có hệ thống biển báo người dân không được canh tác, dựng lán trại ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống lũ quét. Các xã Bản Hồ, Bản Khoang, huyện Sa Pa, mặc dù chưa bố trí đủ quỹ đất sắp xếp ổn định dân cư lâu dài, nhưng trước cơn bão số 3 được cho là rất mạnh diễn biến phức tạp, hầu hết người dân trong xã đã được chính quyền địa phương cảnh báo và có phương án di dân đến nơi an toàn, phòng tránh thiên tai, trượt lở đất.

Ông Hoàng Văn Son, thôn Bản Hồ, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa cho biết: Hiện xã đã thành lập đội cơ động ứng cứu thảm họa thiên tai, mỗi đội viên được phân công chịu trách nhiệm một thôn bản, trưởng các xóm thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền người dân phòng tránh thiên tai.

Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã xây dựng phương án đối phó một cách cụ thể ở từng vùng, từng nơi; chuẩn bị các phương tiện, vật dụng, dao phát, cuốc xẻng, xe máy, thông tin liên lạc, thuốc men và thanh niên xung kích ở địa phương trong tư thế sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra để ứng phó kịp thời.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, để ứng phó với cơn bão số 3, trước đó ngày 14/9/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có công điện gửi Ban phòng, chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai và các địa phương trong tỉnh về việc chủ động ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục