Quảng Ninh "mạnh tay" chấn chỉnh hoạt động của các công ty lữ hành

Để thực hiện chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch, chính quyền tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn đối với các đơn vị vi phạm trong kinh doanh lữ hành.
Bến thuyền vào hang Sửng Sốt trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Để thực hiện chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch, chính quyền tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn đối với các đơn vị vi phạm trong kinh doanh lữ hành.

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bộc lộ một số hạn chế như các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, "khoán trắng" cho hướng dẫn viên... gây bức xúc với khách du lịch và làm ảnh hưởng hình ảnh của du lịch Quảng Ninh.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của tỉnh đối với các công ty lữ hành; kiểm tra, công khai các tour, tuyến cho khách du lịch; rà soát lại việc quản lý các điểm bán hàng, nhà hàng.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện thanh tra các điểm có các tour du lịch của khách quốc tế; công khai minh bạch giá dịch vụ tại các điểm bán hàng đối với khách du lịch...

Quảng Ninh sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh lữ hành; đình chỉ hoạt động tại tỉnh đối với các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm theo Quyết định 3486/2015/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về quản lý hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở chính ngoài tỉnh mà không có chi nhánh tại Quảng Ninh; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các đơn vị vi phạm.

Mới đây, ngày 16/3, Thanh tra Sở Du lịch Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long 25 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 12 tháng vì không hoàn thành việc tổ chức đón khách quốc tế tại khu vực cửa khẩu Móng Cái.

Sở Du lịch Quảng Ninh có văn bản đề nghị Tổng cục Du lịch rút giấy phép lữ hành đối với Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long, đồng thời có công văn đề nghị Ủy ban phát triển du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) xử lý nghiêm doanh nghiệp của Trung Quốc (đơn vị đối tác của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long) đã để xảy ra tình trạng trên.

Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh có 47 doanh nghiệp đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, trong đó 26 doanh nghiệp có trụ sở chính tại Quảng Ninh, 21 doanh nghiệp có trụ sở chính ngoài tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 cửa hàng bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở thành phố Hạ Long và số ít ở thành phố Móng Cái và thị xã Đông Triều. Phần lớn các điểm bán hàng này có người Trung Quốc đến giới thiệu, bán hàng.

Một số điểm bán hàng thường xuyên thay đổi pháp nhân và tên cửa hàng. Về giá cả, các hàng hóa tại đây thường có giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Theo phản ánh của dư luận, chủ các cửa hàng cấu kết trực tiếp với các công ty du lịch lữ hành hai bên, qua đó đưa ra các điều kiện để công ty lữ hành đưa khách đến các điểm mua hàng với mức hoa hồng và tiền đầu khách."

Năm 2016, Quảng Ninh đã đón gần 3,5 triệu lượt du khách quốc tế tới tham quan. Riêng khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái đạt 1,6 triệu lượt khách.

Gần đây, lượng khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái tăng đột biến, vì vậy, việc chấn chỉnh các hoạt động lữ hành là động thái cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và xây dựng hình ảnh đẹp của du lịch Quảng Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục