Quảng Ninh mời Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ cháy tàu du lịch

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo các ngành chức năng mời Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an vào cuộc để điều tra tìm nguyên nhân gây ra vụ cháy tàu du lịch vào rạng sáng 6/3 ở Cảng Tuần Châu.
Vụ cháy tàu du lịch QN 6299 ở cảng Tuần Châu, tháng 5/2016. (Ảnh: TTXVN phát)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo các ngành chức năng mời Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an vào cuộc để điều tra tìm nguyên nhân gây ra vụ cháy tàu du lịch vào rạng sáng 6/3 ở Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu.

Khoảng 0 giờ 07 phút ngày 6/3, tại khu vực Cảng Tuần Châu, tàu du lịch mang tên Huy Lộc QN 3883 bất ngờ bị cháy. Sau 20 phút, đám cháy đã được dập tắt, không có thiệt hại về người.

[Lại xảy ra một vụ cháy tàu chở khách du lịch trên Vịnh Hạ Long]

Các lực lượng chức năng, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã có mặt xử lý dập tắt đám cháy, đồng thời huy động tàu hút nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ vận tải Long Hải để bơm chống đắm. Công an tỉnh triển khai bảo vệ hiện trường để điều tra nguyên nhân. Thông tin ban đầu, đám cháy được xác định xuất phát từ khoang lái.

Tàu Huy Lộc là loại tàu du lịch khai thác theo giờ, xuất bến và vào bờ trong ngày (thường gọi là tàu tiếng). Vì là loại tàu tiếng nên nội thất cũng như thiết bị điện trên tàu khá đơn giản. Đặc biệt, hiện là mùa lạnh nên cơ bản trên tàu chỉ sử dụng nguồn điện ắc quy. Thêm vào đó do vào ban đêm, tàu không hoạt động nên nhiều người cho rằng khả năng cháy đối với loại tàu này là khá hi hữu. Do vậy, vụ cháy tàu Huy Lộc khiến nhiều người hoài nghi về nguyên nhân gây cháy.

Theo ông Bùi Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, thường khi tàu không hoạt động thì chỉ sử dụng nguồn điện ắc quy, không sử dụng điện từ máy phát của tàu. Mà nguồn điện một chiều của ắc quy khó có khả năng xảy ra cháy nổ. Còn nếu xảy ra cháy do sinh hoạt của thuyền viên trông coi tàu ở khu vực buồng lái thì tại khu vực với diện tích chỉ 2 – 3 m2, khó có thể cháy lớn mà nhân viên không phát hiện và dập tắt kịp thời.

Trên thực tế, những vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long gần đây đều xảy ra đối với tàu du lịch vỏ gỗ, loại hình ngủ đêm trên vịnh. Loại tàu này do kết cấu phức tạp từ hệ thống điện, đến các vách ngăn giữa các buồng ngủ trên tàu sử dụng các chất dễ cháy nên tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy.

Quảng Ninh đang chủ trương siết chặt quản lý đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long như dừng đóng mới tàu, giảm số lượng tàu du lịch trên vịnh, hạn chế tuổi tàu, dần thay thế tàu vỏ gỗ bằng gỗ sắt…, qua đó hoạt động khai thác của các tàu du lịch vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long thời gian gần đây dần đi vào nền nếp hơn.

Do vậy, việc cháy tàu vỏ gỗ loại hình tàu tiếng khi không hoạt động khiến nhiều người nghi ngờ nguyên nhân gây cháy của nó. Một chủ tàu có kinh nghiệm 15 năm đóng và kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cũng đồng quan điểm phân tích trên, cho biết: Tàu tiếng không khai thác thì nguy cơ xảy ra cháy là không nhiều.

Một lãnh đạo ngành giao thông và một số chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cũng thừa nhận trước đây đã từng có vụ cháy tàu du lịch vì động cơ lấy tiền bảo hiểm tàu. Do vậy, việc Quảng Ninh mời Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an vào cuộc là cần thiết để xác minh chính xác nguyên nhân gây ra vụ cháy tàu trên.

Theo thông tin ban đầu mới cập nhật, tàu du lịch Huy Lộc QN 3883 vừa bị cháy chỉ mua bảo hiểm bắt buộc, chưa mua bảo hiểm thân, vỏ máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục