Quảng Ninh nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định trong năm 2018, Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải thiện các chỉ số để giữ vững ở nhóm đứng đầu các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Nguồn: Quangninh.gov.vn)

Ngày 21/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Quảng Ninh năm 2017; đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2018 và những năm tiếp theo.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cải thiện bộ chỉ số trên trong năm 2017.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định trong năm 2018, Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải thiện các chỉ số để giữ vững ở nhóm đứng đầu các tỉnh, thành phố. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các trung tâm hành chính công, trong đó rà soát lại các thủ tục hành chính, liên thông giải quyết thủ tục hành chính từ tỉnh đến cơ sở, hoàn thiện chính quyền điện tử; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu lãnh đạo các địa phương sau hội nghị này, tổ chức hội nghị quán triệt đến các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để phân tích, đánh giá, qua đó có giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số trong năm 2018.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho rằng việc cải cách hành chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy thước đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá chính quyền các cấp.

Về giải pháp trong năm 2018, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần nhìn thẳng vào những thách thức, người dân chưa hài lòng nội dung gì thì phải có giải pháp thật cụ thể đối với từng tiêu chí trên quan điểm các tiêu chí đều phải tăng.

[Giảm một nửa số chi cục thuế, xóa sổ phòng giao dịch của kho bạc tỉnh]

Sau hội nghị này, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ ban hành kế hoạch hành động bằng những giải pháp cụ thể. Các địa phương tiếp tục rà soát các bộ thủ tục hành chính ngắn gọn hơn nữa; nâng cao tính giải trình cho người dân, trong đó hồ sơ nào giải quyết trễ hẹn thì phải có thư xin lỗi trực tiếp người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát đột xuất.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục dành nguồn lực bồi dưỡng kiến thức cho công dân điện tử; Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện các giải pháp.

Năm 2017 với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chỉ số PAR INDEX tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên đứng đầu toàn quốc với 89,54 điểm, tăng 6,72 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2016; chỉ số SIPAS đứng thứ 5 toàn quốc; chỉ số PAPI vào nhóm 2 của cả nước, tăng 30 bậc so với năm 2016.

Phân tích, đánh giá Chỉ số PAR INDEX của tỉnh Quảng Ninh năm 2017, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng chỉ ra một số điểm còn tồn tại của tỉnh Quảng Ninh. Đó là thực hiện chế độ báo cáo thường kỳ tại một số địa phương chưa kịp thời, liên tục; cơ cấu số lượng cấp phó tại một số sở, ngành còn vượt so quy định; cơ cấu giữa số lượng lãnh đạo và công chức chuyên môn tại một số phòng thuộc sở còn chưa hợp lý; phân cấp quản lý Nhà nước giữa tỉnh và huyện còn hạn chế…

Từ vấn đề nêu trên, ông Phạm Minh Hùng kiến nghị tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo rà soát, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là những tiêu chí không đạt điểm tối đa; bám sát nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ giao hàng năm; gắn cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; tổ chức tốt công tác đánh giá, tự chấm điểm.

Năm 2017, Quảng Ninh có 5/6 trục nội dung cải thiện điểm số. Đó là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Có 1/6 trục nội dung giảm điểm, đó là trách nhiệm giải trình với người dân. Một số trục nội dung dù được cải thiện mạnh nhưng vẫn ở nhóm thấp của cả nước.

Từ những kết quả trên, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2018 của các đơn vị cấp huyện, cấp xã, phường; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công của các đơn vị cấp huyện và cấp xã, phường; triển khai áp dụng bộ chỉ số PAPI cấp huyện đối với tất cả các đơn vị từ năm 2018.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục