Theo tài liệu phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước biển dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam, vùng Quảng Ninh-Thanh Hóa là vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất.
Từ các nghiên cứu về hoạt động và ảnh hưởng của bão nhằm phân vùng bão và chuẩn bị các phương án ứng phó, nhận biết, chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại do bão, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia khu vực ven biển Việt Nam thành năm vùng ven biển có sự khác nhau của bão gồm Vùng 1: Quảng Ninh-Thanh Hóa; Vùng: Nghệ An-Thừa Thiên-Huế; Vùng 3: Đà Nẵng-Bình Định; Vùng 4: Phú Yên-Khánh Hòa; Vùng 5: Ninh Thuận-Cà Mau.
Vùng Quảng Ninh-Thanh Hóa có tần số bão hàng năm là 1-1,5 cơn. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng của bão sớm hơn các vùng khác với thời kỳ nhiều bão nhất là ba tháng 6-7-8.
Lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ đã ghi được là trên 470mm. Cường độ bão đã ghi nhận được là cấp 15, 16, nguy cơ gió bão mạnh nhất 50- 60 m/giây.
Tại khu vực này, nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra tới 3,5m. Trong tương lai, khi bão có khả năng mạnh thêm, nước dâng do bão có thể lên đến trên 4m.
Trong trường hợp xảy ra vào thời kỳ triều cường, mực nước tổng cộng trong bão có thể lên tới 5,7-6m.
Vùng 2 Nghệ An-Thừa Thiên-Huế cũng có tần số bão hàng năm từ 1-1,5 nhưng mùa bão tập trung vào tháng 8-9-10 và lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ rất lớn, đạt 790mm.
Nước dâng do bão cao nhất ở vùng này có thể lên đến trên 4,5m, trong thời kỳ triều cường, mực nước có thể lên tới 5,7-6,2m.
Vùng 3 Đà Nẵng-Bình Định có tần số bão trung bình 0,2-1 cơn, mùa bão tập trung vào tháng 10-11. Các Vùng 4, 5 là những vùng có tần số bão hàng năm ít hơn so với những vùng khác.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là công bố bước đầu để đáp ứng kịp thời cho công tác chỉ đạo phòng chống, ứng phó với siêu bão.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các công bố đầy đủ, chi tiết và có độ tin cậy cao hơn./.