Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đặt ra, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó, các địa phương cũng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng các dự án và xác định đây là mắt xích quan trọng, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo các đơn vị nhà thầu xây dựng kế hoạch, biện pháp thi công các dự án một cách chi tiết, cụ thể và có cam kết thực hiện tiến độ ở từng hạng mục theo từng tuần, từng tháng.
Tỉnh Quảng Ninh đã trải qua 45 ngày không có ca mắc COVID-19 mới, do vậy, các địa phương, chủ đầu tư đang khẩn trương tận dụng cơ hội an toàn dịch bệnh, để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 30/6, các chủ đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 50% và đến 30/9 đạt 100% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, theo thống kê từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, hiện vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, khả năng cao sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 7/6, tổng kế hoạch nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 18.800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh là trên 12.300 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương trên 6.000 tỷ đồng, được phân bổ chi đầu tư phát triển cho 37 chủ đầu tư.
Song đến đầu tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân của nhiều chủ đầu tư đạt rất thấp, điển hình như thị xã Đông Triều mới đạt trên 12%, thành phố Cẩm Phả trên 13%, huyện Vân Đồn trên 14%, thành phố Hạ Long đạt gần 15%, thành phố Móng Cái đạt gần 17%.
[Nhiều bộ, ngành chưa có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công]
Nguyên nhân các địa phương đều cho rằng chủ yếu là do vướng mắc trong trong giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Nhiều dự án tại các địa phương, mặc dù đã được bố trí đủ vốn theo quy định, song do người dân không đồng thuận với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thi công, không có khối lượng thanh quyết toán theo quy định.
Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có những thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, thắt chặt việc đi lại giữa các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, nên nhiều đơn vị nhà thầu thiếu nhân công lao động làm việc tại các công trường, cũng khiến cho tiến độ, khối lượng thực hiện không đảm bảo theo kế hoạch.
Ngoài ra, việc chuẩn bị đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện chủ động, tích cực. Đáng chú ý là nhiều dự án, công trình lập chủ trương đầu tư còn chưa sát, chưa phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, của địa phương; năng lực khảo sát, tư vấn, lập dự án còn thấp và yếu. Do vậy, dự án khi trình duyệt, thẩm định không đạt yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều, dẫn đến chậm được triển khai./.