Quảng Trị: Chưa phát hiện bất thường trước hiện tượng cá chết trên sông Ô Giang

Trong hai ngày 26-27/3, hai bên bờ sông Ô Giang có hiện tượng cá chết tấp vào bờ; trong đó một số cá đã phân hủy. Cá chết chủ yếu là chép, mại, rô phi với kích thước nhỏ từ 5-10 cm.

Cá chết. (Ảnh minh họa: Khoa Chương/TTXVN)
Cá chết. (Ảnh minh họa: Khoa Chương/TTXVN)

Ngày 1/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng về việc triển khai các giải pháp trong nuôi trồng thủy sản sau khi có hiện tượng cá chết trên sông Ô Giang đoạn qua xã Hải Phong.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước tình hình này, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban Nhân dân xã Hải Phong kiểm tra thực tế trên sông Ô Giang.

Thời điểm kiểm tra vào hai ngày 26-27/3 cho thấy, hai bên bờ sông có hiện tượng cá chết tấp vào bờ; trong đó một số cá đã phân hủy. Cá chết chủ yếu là chép, mại, rô phi với kích thước nhỏ từ 5-10 cm.

Số lượng cá chết không nhiều, rải rác dọc hai bên bờ sông. Kiểm tra bên ngoài đối với cá vừa mới chết không có biểu hiện của bệnh; giải phẫu cá kiểm tra bên trong nhận thấy nội tạng cá bình thường, không xuất huyết, không có hiện tượng phân hủy thối rữa. Tất cả 56 lồng nuôi cá chình, cá leo trên sông Ô Giang vẫn sinh trưởng bình thường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu cơ quan chuyên môn, hướng dẫn người dân nuôi cá trên sông Ô Giang tuân thủ khung lịch mùa vụ; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình nguồn nước trên sông. Khi thấy nước sông có hiện tượng bất thường kịp thời thông tin, phản ánh kiến nghị đến cấp có thẩm.

Đối với nuôi cá bằng lồng bè trên sông, cần tăng cường kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hiện tượng bất thường; khi phát hiện nguồn nước trên sông có hiện tượng lạ hoặc ô nhiễm, cần di dời lồng nuôi sang vị trí an toàn để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đối tượng nuôi; thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường ô xy hòa tan trong nước, giảm vật bám chất bẩn ở trong lồng.

Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả; tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn; thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng...

Đối với nuôi thủy sản trong ao, cần thường xuyên cập nhật thông tin chất lượng môi trường nước, dịch bệnh vùng nuôi để chọn thời điểm con nước tốt nhất lấy nước vào ao.

Nếu thấy nước sông có hiện tượng bất thường như sẫm màu có bọt nổi, mùi hôi nồng nặc, xuất hiện cá bơi lờ đờ và chết dạt hai bên bờ sông… tuyệt đối không cấp nước vào ao nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục