Quấy rối tình dục nơi công sở ở Việt Nam: Các hành vi phổ biến

Quấy rối tình dục: Tán tỉnh lời lẽ thô tục là hình thức phổ biến

Theo Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam thì các hình thức phổ biến của việc quấy rối tình dục là về thể chất, về lời nói và những hành vi phi lời nói thông qua ám chỉ..
Trích Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam.

Báo cáo nghiên cứu “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam: Bức tranh khái quát và khung pháp lý để giải quyết” của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ ra rằng, hình thức quấy rối tình dục và bạo lực giới phổ biến nhất là bằng lời nói, bạo lực tinh thần (tán tỉnh, đe dọa, lời lẽ thô tục, kích dục), đụng chạm thể xác… Nạn nhân của quấy rối tình dục chủ yếu là phụ nữ và thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người quấy rối.

[Quấy rối tình dục với trẻ em gái qua lăng kính của giới trẻ]

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm về dự thảo Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 10/5 tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hiển, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Lao động nữ và giới (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về thực trạng bạo lực giới và quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

“Các nghiên cứu mới chỉ nêu nguyên nhân, biểu hiện, các hình thức, thủ phạm, … nhưng chưa có số liệu thống kê chính thức ước tính tỷ lệ bạo lực giới và quấy rối tại nơi làm việc,” bà Nguyễn Thị Hiển nói.

Trích Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam.

Trong bối cảnh bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đang ngày càng được công chúng quan tâm, một Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đang được xây dựng. Đây là công cụ tốt, giúp các nước thành viên hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy việc phòng ngừa và xử lý bạo lực, quấy rối tại nơi làm việc.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Tọa đàm là cơ hội để cập nhật bối cảnh và tiến độ xây dựng Công ước về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc của ILO, đồng thời đánh giá khả năng gia nhập Công ước của Việt Nam.”

Phát biểu tại tọa đàm, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam khẳng định: “Việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh tế nói chung mà qua đó, an sinh của người lao động sẽ được gia tăng đáng kể và thúc đẩy việc đảm bảo quyền không bị bạo lực. Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam hy vọng Việt Nam sẽ có đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Công ước cũng như tiếp tục hoàn thiện luật pháp trong nước để dần tiến tới loại bỏ bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc."

Các đại biểu đã nhìn lại những tiến bộ, thách thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại về phòng chống bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc, đặc biệt là vai trò của Công ước mới trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và tác động của Công ước mới tới Việt Nam...

Trong tháng Sáu tới, đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam gồm đại diện Chính phủ Việt Nam, người lao động và người sử dụng lao động sẽ tham dự Hội nghị hằng năm lần thứ 107 của Tổ chức Lao động quốc tế tại Thụy Sỹ. Tại đây, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham gia thảo luận về dự thảo Công ước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục