Quốc hội Anh bỏ phiếu phản đối Brexit không thỏa thuận

Với 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận.
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đêm 13/3 theo giờ Việt Nam, với 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận.

Động thái này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ phải đứng trước lựa chọn lùi thời hạn Brexit.

Ngoài ra, các nghị sỹ Anh cũng bỏ phiếu phản đối điều khoản sửa đổi cho phép Chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 22/5.

Phát biểu tại Quốc hội sau phiên bỏ phiếu thứ hai liên tiếp chỉ trong 2 ngày, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày nếu như các nghị sỹ vẫn không ủng hộ thỏa thuận của bà. 

Theo lộ trình vạch sẵn, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, trừ phi Chính phủ của Thủ tướng May đạt được một kế hoạch khác với EU.

Tuy nhiên, trước khi điều này có thể xảy ra thì bà May cần được Quốc hội Anh phê chuẩn lùi thời hạn Brexit trong cuộc bỏ phiếu đã được lên kế hoạch vào 14/3.

Trong khi đó, tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU yêu cầu London có “câu trả lời rõ ràng” về việc có trì hoãn tiến trình Brexit hay không.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cho rằng Anh cần phải làm rõ lý do và mục đích kéo dài thời hạn Brexit, đồng thời không quên khẳng định rằng EU sẽ không đưa ra thêm bất kỳ đề xuất nào với Anh, ngoại trừ thỏa thuận đã đạt được trước đó.

[Vấn đề Brexit: Thủ tướng Đức nhấn mạnh mục tiêu Anh rút lui có trật tự]

Trước đó một ngày, với tỷ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã lần thứ 2 bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đã đạt được với EU.

Những động thái cứng rắn này của Quốc hội Anh tiếp tục đặt Chính phủ của Thủ tướng May trước nhiều khó khăn, đồng thời gia tăng sự không chắc chắn về tương lai của nước Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.