Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân.
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân.
Bày tỏ sự băn khoăn đối với quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhận định, theo cơ quan soạn thảo, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi nhằm bảo đảm quyền giao dịch của công dân theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa làm rõ được mục đích quản lý nhà nước đối với những người dưới 14 tuổi, báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ được vai trò và ý nghĩa của các thông tin trong thẻ căn cước công dân đối với người dưới 14 tuổi đóng góp như thế nào cho công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội hay trong hoạch định chính sách.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá lại tác động của quy định này bởi việc quản lý nhóm đối tượng này thông qua các cơ quan, tổ chức, trường học hiện rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Luật Dân sự: trong mọi trường hợp, kể cả xuất trình thẻ căn cước công dân, những giao dịch giữa những người dưới 14 tuổi hoặc phải có người đại diện theo pháp luật thực hiện hoặc phải được sự đồng ý của họ. Vì vậy, so sánh giữa chi phí phải bỏ ra là hơn 648 tỷ đồng và lợi ích của chính sách này mang lại, cần phải được tính toán kỹ hơn.
Cũng chung quan điểm trên còn có các đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái), Quàng Thị Nguyên (Sơn La).
Theo đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái), trẻ dưới 14 tuổi chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và trong các giao dịch dân sự cũng cần cha mẹ hay người giám hộ làm người đại diện. Bên cạnh đó, việc được cấp giấy khai sinh khi sinh ra là quyền của trẻ em đã được quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Bộ Luật Dân sự và Công ước Liên hợp quốc về quyền của trẻ em.
Việc cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra sẽ gây thủ tục phiền hà cho công dân, tạo sự tốn kém không cần thiết… Đại biểu kiến nghị dự án Luật cần quy định theo hướng: bên cạnh việc đăng ký giấy khai sinh, công dân cần đăng ký thông tin dữ liệu cá nhân cho trẻ sơ sinh để đến khi đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) lại cho rằng, cần thực hiện việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi trẻ ra đời bởi “đã là cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, cần quản lý về con người từ khi ra đời đến khi mất đi.”
Liên quan đến quy định về số định danh cá nhân, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) tán thành với việc quy định số định danh cá nhân trong dự án Luật và cho rằng quy định này sẽ góp phần thực hiện tốt yêu cầu quản lý xã hội, dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) lại tỏ ra băn khoăn với việc thay đổi từ 9 số trong chứng minh nhân dân lên 12 số trong định danh cá nhân sẽ gây tốn kém, ảnh hưởng đến 68 triệu người đã được cấp giấy chứng minh nhân dân.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh việc bỏ đi 68 triệu chứng minh nhân dân cũ với những mối quan hệ đã thiết lập từ lâu nay là một việc làm cần được cân nhắc.
Về kỹ thuật, tăng từ 9 lên 12 con số phải tốn tài nguyên lưu trữ làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu. Nếu mã hóa căn cước công dân để cho ra mã số này thì càng vô nghĩa một khi công dân điều chỉnh căn cước của mình. Còn nếu định danh để biết được nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính thì trên thẻ căn cước và các giấy tờ liên quan có cần ghi thêm những thông tin này không?
Đại biểu cho rằng không nên xây dựng hai hệ thống cơ sở dữ liệu riêng biệt, bởi sẽ có nhiều trường hợp để xảy ra sai sót khi cập nhật, bổ sung hai hệ thống này. Đại biểu kiến nghị chỉ nên xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch, giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho một bộ duy nhất để tiến hành cấp, bổ sung dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị trong luật cần xây dựng một điều hoặc một mục riêng về số định danh cá nhân đồng thời, cần hoàn thiện số định danh cá nhân trước khi luật được ban hành để thuận tiện cho việc cấp thẻ căn cước công dân.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã dành nhiều thời gian cho ý kiến về cơ sở dữ liệu căn cước công dân và mối quan hệ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thủ tục, trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; về thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân...
Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ để dự án Luật thống nhất với hệ thống các văn bản pháp luật khác, tránh mâu thuẫn trùng lắp, chồng chéo với các Luật Cư trú, Luật Hộ tịch, bảo đảm Luật có tính khả thi cao khi thi hành. Bên cạnh đó, ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ để đánh giá được tác động toàn diện của dự án luật trên các phương diện kinh tế, xã hội, nhất là nguồn lực về tài chính, công nghệ để triển khai thực hiện tốt sau khi Luật được Quốc hội thông qua.../.