Quốc hội Bulgaria thông qua dự luật sửa đổi ngân sách

Quốc hội Bulgaria ngày 29/7 đã thông qua dự luật sửa đổi ngân sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tình trạng khó khăn tài chính trước cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào ngày 5/10 tới.
Quốc hội Bulgaria thông qua dự luật sửa đổi ngân sách ảnh 1 Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tình trạng khó khăn tài chính trước cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào ngày 5/10 tới, Quốc hội Bulgaria ngày 29/7 đã thông qua dự luật sửa đổi ngân sách, theo đó nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách và nợ trần của nước này.
Sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Rosen Plevneliev hồi tuần trước, dự luật vốn từng bị Quốc hội Bulgaria bác bỏ này lại được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu.
Dự luật được thông qua, theo đó nâng mức thâm hụt ngân sách kết thúc năm của Bulgaria lên 2,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thay vì mức 1,8% như mục tiêu trước đó, đồng thời "bật đèn xanh" cho việc phát hành thêm 3,4 tỷ leva (2,4 tỷ USD) trái phiếu.
Phần lớn số tiền này sẽ được chính phủ sử dụng để giải quyết vấn đề thanh khoản của Ngân hàng thương mại CCB lớn thứ 4 của Bulgaria, để tránh nguy cơ bị phá sản.
Tổng thống Plevneliev nhấn mạnh dự luật trên là cần thiết để bảo đảm sự ổn định tài chính cho Bulgaria trong "khoảng trống chính trị" trước tổng tuyển cử.
Để chính thức có hiệu lực, dự luật trên sẽ phải được thông qua tại cuộc bỏ phiếu nữa mang tính thủ tục tại Quốc hội Bulgaria trước khi cơ quan lập pháp này giải tán vào đầu tháng Tám tới.
Theo một thỏa thuận đạt được cuối tháng Sáu, Tổng thống Plevneliev sẽ giải tán Quốc hội vào ngày 6/8 và chỉ định một chính phủ lâm thời cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 10 tới.
Bulgaria đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp 1,3%, tỷ lệ thấp nghiệp cao kéo dài và các dòng đầu tư nước ngoài "lao dốc."
Chính phủ nước này còn đang bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đe dọa trừng phạt do tham gia vào dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Nam do Nga đứng đầu./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.