Quốc hội cần mạnh tay trong cuộc "đại phẫu" nông lâm trường?

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất đai, trong tháng 10 tới, Quốc hội sẽ có những cuộc họp “đại phẫu” nông lâm trường, từ đó đưa ra mô hình hoạt động mới.
Quốc hội cần mạnh tay trong cuộc "đại phẫu" nông lâm trường? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo đánh giá của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các nông lâm trường sau 10 năm chuyển đổi sang mô hình công ty nông lâm nghiệp vẫn hoạt động kém hiệu quả, và tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, tranh chấp, khiếu kiện còn diễn ra phổ biến.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VietnamPlus mới đây, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, để giải quyết vấn đề trên, trong tháng 10 tới, Quốc hội sẽ có những cuộc họp “đại phẫu” nông lâm trường, từ đó đưa ra mô hình hoạt động mới.

"Làm qua loa cho xong"

- Hiện nay, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang ráo riết chỉ đạo khẩn trương sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp. Là chuyên gia nghiên cứu độc lập, ông đánh giá thế nào về hướng thay đổi này?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Trong 10 năm qua chúng ta mới chỉ làm được cái việc đổi tên, tình trạng lộn xộn, bát nháo về đất đai trong không các công ty nông lâm trường được xem là vấn đề nổi cộm, tạo nên một mớ bùng nhùng khó gỡ. Vì vậy, bản thân các công ty cũng không muốn báo cáo thật tình trạng quản lý đất đai của mình. Do đó, với thời gian đưa ra cho họ quá ngắn, càng dẫn đến việc họ rà soát vội vã và cố làm qua loa cho xong.

Về cách thức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn giao việc đánh giá cho các Công ty nông lâm trường tự đánh giá, xếp loại hoạt động của họ; trong khi vai trò của chính quyền địa phương (cấp xã, huyện và người dân) gần như không có quyền thẩm định. Thực tế này đã dẫn đến việc các Công ty nông lâm trường cố giữ lại thật nhiều đất vì quyền lợi của công ty.

- Theo dự kiến, trong tháng 10 tới, Quốc hội sẽ có những cuộc họp “đại phẫu” nông lâm trường nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về việc quản lý, sử dụng đất đai. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Theo tôi được biết, Giám sát tối cao của Quốc hội về Quản lý, sử dụng đất đai tại các nông lâm trường đến tháng 10/2015 mới báo cáo trước Quốc hội và sau đó Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về nông lâm trường. Trên cơ sở đó, Nghị quyết này sẽ được đưa trở lại cho chính phủ để thực thi. Trong khi đó, với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang ráo riết phê duyệt các Đề án sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm trường, thì lần này đang đẩy Quốc hội vào tình thế khó.

Trong việc này, nếu đúng thì phải đợi Quốc hội "mổ xẻ" xong chuyện đất đai của các công ty nông lâm trường, ban hành Nghị quyết thì mới lấy đó làm cơ sở để xây dựng Đề án sắp xếp đổi mới. Thế nhưng với tiến trình này, đến cuối năm, mọi phương án sắp xếp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xong hết rồi, thì nguy cơ Quốc hội sẽ phải quyết những cái đã rồi.

Như vậy, nếu Quốc hội mạnh tay thì sẽ phủ quyết các phương án sắp xếp đã phê duyệt và yêu cầu làm lại. Thế nhưng, nếu Quốc hội không mạnh tay, thì mọi thứ sẽ chẳng thay đổi được gì. Các nông lâm trường sẽ vẫn như cũ, tình trạng tranh chấp đất đai sẽ vẫn còn nguyên. Và nếu đúng như vậy, thì việc triển khai thực hiện Nghị Quyết 30 đang đi theo "vết xe đổ" của Nghị quyết 28 trước đây, nghĩa là chỉ thay đổi theo kiểu “bình mới, rượu cũ.”

Quốc hội cần mạnh tay trong cuộc "đại phẫu" nông lâm trường? ảnh 2Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

"Không ai muốn mua cổ phần nông lâm trường?"

- Theo ông, việc Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Công ty nông lâm trường phải cổ phần hóa, và chuyển sang thuê đất từ Nhà nước có giải quyết rốt ráo được những khó khăn, vướng mắc đất đai?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng cổ phần hóa chỉ là một giải pháp, chúng ta có thể giải thể các nông trường hoạt động kém hiệu quả và cũng có thể sát nhập. Về chủ trương đất đai, các công ty nông lâm trường khi cổ phần hóa thì sẽ phải trả tiền thuê đất, nhưng cho thuê đất như thế nào, giá thuê ra sao thì chưa biết. Cho dù chủ trương quyết liệt cổ phần hóa, nhưng ai cũng nhìn thấy là rất khó, vì không ai muốn mua cổ phần tại các công ty nông lâm trường.

Trong khi đó, tài sản lớn nhất là đất đai thì sẽ không được định giá để cổ phần hóa, các tài sản khác như nhà xưởng thì tàn tạ, chẳng đáng giá trị. Tuy nhiên, theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay là xử lý tranh chấp đất đai giữa các công ty nông lâm trường và người dân sở tại. Mặt khác, các địa phương cũng không đủ tiền để tái cấu trúc công ty nông lâm trường, nếu giải tán đi thì mất hết đất…

- Vậy, để giải quyết "bài toán" vướng mắc, bùng nhùng đất đai hiện nay, ông có đề xuất, hay kiến nghị gì đối với Quốc hội, Nhà nước về vấn đề công ty nông lâm trường?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Theo tôi, đối với những nông trường ít vi phạm về đất đai, Nhà nước nên "rót" thêm vốn vào, có cơ chế chính sách để kéo các nông trường đó lên. Cùng với đó, những nông trường nào không tử tế thì cần xóa bỏ nó đi.

Riêng với việc xây dựng Đề án sắp xếp lại Công ty nông lâm trường, tôi nghĩ cơ quan nghiên cứu nên lùi lại sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về vấn đề này. Khi lập phương án thẩm định cần phải có sự tham gia của các địa phương nơi các công ty nông lâm trường tọa lạc. Thêm nữa, phải có tiêu chí thẩm định, với các tiêu chí về hiệu quả kinh tế, quản lý đất đai và bảo vệ môi trường...

Đối với vấn đề sau khi thu hồi xong, theo tôi, phần đất ấy nên giao cho các hộ dân để họ có đất canh tác. Doanh nghiệp chỉ nên làm dịch vụ khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản cho người dân. Như vậy mới hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp và người dân, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội./.

Xin chân thành cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục