Quốc hội Đức muốn đưa Chính phủ ra tòa vì bê bối liên quan NSA

Ủy ban G-10 thuộc Quốc hội Đức có ý định đưa Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ra Tòa án Hiến pháp liên bang vì vụ bê bối do thám liên quan tới NSA.
Quốc hội Đức muốn đưa Chính phủ ra tòa vì bê bối liên quan NSA ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo Nam Đức (SZ) số ra ngày 29/7, Ủy ban phụ trách bí mật thư tín, bưu chính và viễn thông thuộc Quốc hội Đức (Ủy ban G-10) có ý định đưa Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ra Tòa án Hiến pháp liên bang vì vụ bê bối do thám liên quan tới Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Hiện Ủy ban G-10 đang kiểm tra khả năng đưa vụ việc ra trước Tòa án Hiến pháp để yêu cầu Chính phủ liên bang cho phép các nhà điều tra vụ bê bối liên quan đến NSA thuộc Quốc hội Đức tiếp cận bảng danh mục do thám của tình báo Mỹ.

Cho đến nay, Chính phủ Đức vẫn khước từ việc cung cấp danh mục do thám của NSA cho các nhà điều tra thuộc Quốc hội nước này.

Dẫn lời các nghị sỹ Quốc hội Đức, báo trên cho biết các hoạt động do thám của NSA không được sự chấp thuận của Ủy ban G-10 là vi phạm Điều 10 Luật cơ bản (Hiến pháp) của nước này về bí mật bưu chính và viễn thông.

Theo Điều 10 Luật cơ bản, nếu không có sự chấp thuận của Ủy ban G-10 sẽ không được phép tiến hành theo dõi bất cứ nghi can khủng bố hay đối tượng buôn lậu vũ khí nào.

Mới đây, Chính phủ Đức đã bổ nhiệm cựu thẩm phán liên bang Kurt Graulich làm Đặc phái viên để kiểm tra quy mô hợp tác, hỗ trợ của BND với NSA trong các hoạt động do thám tại châu Âu, đặc biệt là kiểm tra liệu hành động hỗ trợ đó có phạm luật hay không.

Tuy nhiên, các nghị sỹ đối lập trong Ủy ban điều tra NSA cũng như đa số các thành viên trong Ủy ban G-10 đã bác bỏ hành động này, cho rằng không thể ​ủy nhiệm cho một cá nhân xử lý một vụ việc như vậy.

Trong một bức thư được đóng dấu tuyệt mật, Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng Đức Peter Altmaier đã gửi thư tới những người đứng đầu Ủy ban G-10, Ủy ban điều tra NSA và Ủy ban Giám sát Quốc hội để nêu nguyên nhân khước từ trao danh mục do thám của NSA cho các nhà điều tra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.