Ngày 21/10, Quốc hội Đức đã thông qua gói cứu trợ 200 tỷ euro (hơn 194 tỷ USD) do chính phủ đề xuất nhằm bảo vệ các công ty và hộ gia đình khỏi các tác động do giá năng lượng leo thang hiện nay.
Trước đó, Quốc hội Đức cũng đã bỏ phiếu một lần nữa đình chỉ "phanh nợ" theo Hiến pháp, cho phép nhà nước vay thêm tiền chi cho các gói cứu trợ.
Các chính đảng trong liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) ở Quốc hội Đức bỏ phiếu ủng hộ việc cung cấp tài chính cho kế hoạch giảm giá năng lượng và hỗ trợ công ty trong cuộc khủng hoảng năng lượng.
Với quyết định này, Quỹ Bình ổn kinh tế (WSF) - một quỹ đặc biệt ngoài ngân sách liên bang, hiện có thể vay 200 tỷ euro để cung cấp nguồn lực mới cho kế hoạch có tên gọi "Lá chắn phòng thủ" nhằm bảo vệ các công ty và hộ gia đình trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Số tiền này có thể được sử dụng cho đến giữa năm 2024 để tài trợ cho kế hoạch giảm giá khí đốt, giá điện cũng như hỗ trợ các công ty gặp khó khăn, đặc biệt là các công ty năng lượng trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.
[Thủ tướng Đức: Gói hỗ trợ năng lượng của chính phủ là hợp lý]
Theo chuyên gia về ngân sách của đảng FDP Otto Fricke, kế hoạch "Lá chắn phòng thủ" sẽ giúp đảm bảo an toàn cho người dân và các công ty ở Đức. Tuy nhiên, câu hỏi chính xác giá khí đốt và điện tăng mạnh gần đây sẽ được kiềm chế như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ.
Về khí đốt, một ủy ban chuyên gia do Chính phủ Đức thành lập đã đề xuất nhà nước trước mắt bù giá trong tháng 12 và từ tháng 3/2023, mức giá trần sẽ được áp dụng với hạn ngạch cơ bản là 80% mức tiêu thụ thông thường. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ liên bang có thực hiện các đề xuất theo kế hoạch này hay không.
Liên đảng bảo thủ CDU/CSU đối lập phản đối kế hoạch trên, cho rằng việc chi tiêu là không rõ ràng và họ không rõ số tiền hàng tỷ euro thực sự nên được sử dụng vào việc gì./.