Quốc hội Đức phê duyệt thương vụ mua thêm 50 xe tăng Puma

Việc Đức mua sắm 50 xe tăng Puma có thể sẽ tốn thêm gần 140 triệu euro so với dự kiến 1,5 tỷ euro ban đầu bởi thực tế hợp đồng đã được soạn sẵn từ 18 tháng trước nhưng chưa được ký.
Quốc hội Đức phê duyệt thương vụ mua thêm 50 xe tăng Puma ảnh 1Xe tăng Puma. (Nguồn: File)

Các nguồn thạo tin cho biết Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức ngày 10/5 đã phê duyệt thương vụ mua thêm 50 xe tăng Puma để trang bị cho quân đội nước này.

Tuy nhiên, thương vụ này, tổng trị giá ban đầu là 1,5 tỷ euro, sẽ đắt thêm đáng kể và nguyên nhân được cho là bản hợp đồng mua bán được chuẩn bị sẵn để ký kết có lẽ đã bị "ngủ quên" trong Bộ Quốc phòng gần 18 tháng.

Một bức thư của Bộ Tài chính gửi cho các Ủy ban Ngân sách và Quốc phòng cho biết việc mua sắm có thể sẽ tốn thêm gần 140 triệu euro so với dự kiến bởi hợp đồng đã được soạn sẵn nhưng chưa được ký.

Trong khoảng thời gian bị bỏ lỡ, giá của xe tăng Puma đã tăng lên đáng kể do vấn đề lạm phát, do vậy quân đội liên bang sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn để mua số xe tăng này.

[Kho vũ khí của quân đội Đức thiếu hụt vì viện trợ Ukraine]

Bức thư viết: "Do chậm nộp bản hợp đồng ở mức giá thời điểm tháng 12/2021 nên mức giá tháng 12/2022 đến nay đã tăng khoảng 12,8%. Điều này tương ứng với việc tăng giá thêm 138 triệu euro."

Quân đội đề nghị mua 111 xe Puma nhưng đến nay, mới có kế hoạch chi cho 50 xe được đưa ra.

Trước đó, hồi cuối năm 2022, Ủy viên Quốc phòng Quốc hội Đức Eva Högl cho biết nguồn cung ứng vật tư cho các lực lượng vũ trang Đức đã sụt giảm kể từ khi Berlin bắt đầu viện trợ cho Ukraine.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài phát thanh Đức, bà Högl nói: "Chúng tôi có ít vật tư hơn trước đây. Tất nhiên bởi rất nhiều thứ đã được đưa tới Ukraine để hỗ trợ nước này. Do vậy, tình hình vật tư trong quân đội liên bang lúc này tệ hại hơn."

Bà cũng nói rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.