Tối 22/5, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói dự luật cải cách mới gây nhiều tranh cãi trong đó bao gồm các biện pháp cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế.
Dự luật dày 7.000 trang đã được thông qua nhờ sự ủng hộ của 153 nghị sỹ đến từ liên minh cầm quyền do đảng Syriza đứng đầu, vừa đủ để đạt đa số mong manh trên tổng số 300 ghế tại quốc hội.
Dự luật mới bao gồm các biện pháp như tăng mức thuế trần đối với hoạt động bán hàng và đưa ra cơ chế bất thường, cho phép tăng cường cắt giảm chi tiêu trong trường hợp ngân sách bị quá tải nhằm đảm bảo mục tiêu ngân sách vào năm 2018.
Gói biện pháp trên, sẽ cho phép áp đặt các loại thuế và phí cũng như tăng mức thuế so với hiện nay, là một phần trong thỏathuận của Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế nhằm tiết kiệm khoảng 5,4 tỷ euro để đổi lấy khoản tín dụng giải nguy cho quốc gia đang ngập trong nợ nần này.
Theo các biện pháp vừa được thông qua, Hy Lạp sẽ thu về 1,8 tỷ euro mỗi năm từ việc tăng thuế. Thuế giá trị gia tăng đối với nhiều loại thực phẩm và đồ uống sẽ được tăng từ 23 lên 24%.
Xăng, dầu và dầu sưởi cũng sẽ đắt đỏ hơn. Ngoài ra, du khách tới Hy Lạp cũng phải trả thêm tiền khi ở khách sạn hay vào thăm các viện bảo tàng ở nước này.
Theo truyền thông Hy Lạp, các loại thuế gián tiếp mới sẽ khiến mỗi người dân nước này mất một tháng lương, tương đương khoảng 810 euro mỗi người mỗi năm.
Ngoài việc tăng thuế, gói biện pháp khắc khổ cũng cho phép thành lập một quỹ tư nhân hóa phụ trách việc bán các công ty hay bất động sản của nhà nước và do các chủ nợ của Hy Lạp kiểm soát.
Dự luật này đã vấp phải sự phản đối từ đông đảo người dân. Ngay trong ngày quốc hội bỏ phiếu, hơn 10.000 người đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội tại Athens biểu tình phản đối.
Cơ chế bất thường là phần chịu phản ứng gay gắt nhất từ phía dư luận song đây lại là một trong những mối quan tâm chính của các chủ nợ.
Dự luật mới được thông qua trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ nhóm họp vào ngày 24/5 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về vấn đề giảm nợ và tiếp tục giải ngân cho Hy Lạp.
Các cuộc đàm phán trước đó giữa Athens và Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt kết quả khi Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU, vẫn cực lực phản đối việc cắt giảm nợ cho Hy Lạp với quan điểm cho rằng quốc gia này chỉ được phép giảm nợ vào năm 2018 nếu thực hiện đầy đủ cam kết khi nhận gói cứu trợ.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại coi đây là điều kiện cơ bản để tiếp tục rót vốn cho gói cứu trợ lần 3 dành cho Athens.
IMF cho rằng nếu EU không nhất trí giảm nợ cho Hy Lạp thì quốc gia này sẽ cần có một thời gian dài được giãn nợ và giảm lãi suất mới có thể xây dựng một nền tài chính vững chắc.
Hiện Hy Lạp đang rất cần khoản giải ngân tiếp theo để có thể trả món nợ đến hạn khổng lồ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF vào tháng Bảy tới cũng như thanh toán cho các khoản chi tiêu công đang bị đình trệ./.