Quốc hội Hy Lạp thông qua yêu cầu gia nhập NATO của Macedonia

Với tỷ lệ 153 phiếu thuận và 140 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua yêu cầu gia nhập NATO của Macedonia, qua đó hoàn thiện những bước cuối cùng của thỏa thuận về tên gọi.
Quốc hội Hy Lạp thông qua yêu cầu gia nhập NATO của Macedonia ảnh 1Một phiên họp tại Quốc hội Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với tỷ lệ 153 phiếu thuận và 140 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp ngày 8/2 đã thông qua yêu cầu gia nhập NATO của Macedonia, qua đó hoàn thiện những bước cuối cùng của thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt tranh cãi về tên gọi kéo dài suốt 27 năm qua giữa hai nước.

Phát biểu với Quốc hội trước thềm cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định "đây là phần quan trọng nhất liên quan đến bổn phận và trách nhiệm của Hy Lạp trong thỏa thuận đổi tên nước của Macedonia." Ông khẳng định Cộng hòa Bắc Macedonia cần phải là một đồng minh trong nỗ lực thiết lập an ninh, ổn định và hòa bình ở khu vực.

Động thái của Quốc hội Hy Lạp là một phần trong thỏa thuận được ký kết hồi tháng Sáu vừa qua giữa Hy Lạp và Macedonia. Theo đó, Macedonia sẽ đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia và Hy Lạp sẽ ủng hộ nỗ lực trở thành thành viên NATO và EU của Macedonia.

[Macedonia và đại diện các nước ký nghị định thư gia nhập NATO]

Hôm 6/2, Macedonia đã ký nghị định thư gia nhập NATO tại Brussels trong bước đi quan trọng trên hành trình chính thức trở thành thành viên khối quân sự này.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Macedonia giờ đây có thể tham gia các cuộc họp bộ trưởng của NATO với tư cách khách mời, bắt đầu tại hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến diễn ra trong tuần tới.

Để Skopje trở thành thành viên đầy đủ của NATO, 29 nước thành viên khối quân sự này sẽ phải tiến hành thủ tục thông qua. Trơng trường hợp của Montenegro vào năm 2017, tiến trình này kéo dài khoảng một năm.

NATO và EU tin tưởng việc Macedonia trở thành thành viên sẽ củng cố sự ổn định ở khu vực Balkan, bất chấp sự phản đối của Nga về việc mở rộng của liên minh này trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.