Ngày 21/7, Quốc hội Iran đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 15 thành viên nhằm xem xét thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã đạt được với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vào tuần trước.
Theo Hiến pháp Iran, Quốc hội có quyền bác bỏ bất cứ thỏa thuận nào, kể cả những thỏa thuận do Ngoại trưởng đàm phán.
Tuy nhiên, khả năng các nhà lập pháp bác bỏ thỏa thuận hạt nhân sẽ ít xảy ra khi thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Hiện vẫn chưa rõ ủy ban trên có đưa ra tuyên bố chính thức hay tiến hành bỏ phiếu sau khi đánh giá thoả thuận.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội sau khi đệ trình bản thoả thuận trên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nhấn mạnh đây là một thỏa thuận hạt nhân "cân bằng" với các cường quốc trên thế giới.
Theo ông, các cuộc đàm phán kéo dài sẽ không bao giờ có thể thoả mãn mọi yêu cầu của Iran hay phương Tây và mỗi bên đều phải thỏa hiệp để đạt được điều quan trọng hơn.
Theo thoả thuận hạt nhân lịch sử đạt được ngày 14/7 vừa qua, Liên hợp quốc và phương Tây sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran trong những tháng tới.
Đổi lại, Iran sẽ giảm các hoạt động liên quan đến nguyên tử trong ít nhất một thập kỷ, song vẫn tiếp tục làm giàu uranium và được phép phát triển cũng như nghiên cứu thêm về công nghệ hạt nhân hiện đại.
Bên cạnh đó, Iran sẽ cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc tới giám sát các cơ sở quân sự.
Thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết chấp thuận./.