Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 29/11, Quốc hội Iran đã thông qua một dự luật khẩn cấp, trong đó kiến nghị tăng sản lượng urani làm giàu các cấp độ khác nhau phục vụ các mục đích hòa bình, theo đó yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) sản xuất và dự trữ ít nhất 120kg urani làm giàu với độ tinh khiết 20% tại cở sở hạt nhân Fordo mỗi năm, đồng thời nâng mức làm giàu urani tại cơ sở Natanz.
Quốc hội Iran cũng kiến nghị chính phủ ngăn mọi hoạt động tiếp cận và thanh tra của nước ngoài đối với các cơ sở hạt nhân của Iran ngoài khuôn khổ Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT).
Trước đó, trong tháng này, IAEA công bố báo cáo cho biết dự trữ urani làm giàu của Iran hiện cao hơn 12 lần so với phạm vi giới hạn 300kg được quy định trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).
Tính đến ngày 2/11, tổng dự trữ urani đã làm giàu của Iran là 2.442,9kg.
[IAEA: Iran vận hành máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở ngầm ở Natanz]
Dự luật được Quốc hội Iran thông qua cũng kiến nghị "hành động chiến lược" để thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt với nước này, sau khi các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân nói trên không đáp ứng được các lợi ích của Iran quy định trong thỏa thuận dỡ bỏ và sau vụ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của Iran bị ám sát ngày 27/11 vừa qua.
Liên quan vụ nhà khoa học hạt nhân bị ám sát, ngày 29/11, Cố vấn cấp cao của Đại giáo chủ Iran, đồng thời là người đứng đầu Hội đồng chiến lược về quan hệ đối ngoại của Iran, ông Kamal Kharrazi tuyên bố Tehran sẽ đáp trả quyết đoán và “có tính toán” đối với vụ việc này.
Truyền thông Iran trước đó đưa tin ông Mohsen Fakhrizadeh - nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này - đã bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard, gần thủ đô Tehran, hôm 27/11.
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ có hành động đáp trả, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhấn mạnh Iran sẽ đáp trả vụ ám sát vào "thời điểm thích hợp.”
Hiện chưa có thông tin về nhóm tay súng tiến hành vụ tấn công, song Iran đã nhiều lần cáo buộc tình báo phương Tây và Israel đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này kể từ năm 2010.
Cùng ngày 29/11, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan và Nga đã lên án vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của Iran. UAE hối thúc tất cả các bên kiềm chế nhằm tránh đẩy khu vực Trung Đông rơi vào bất ổn “ở một mức độ mới,” trong khi Jordan kêu gọi các nỗ lực tập thể nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng tại khu vực.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky lên án vụ sát hại nhà khoa học Fakhrizadeh là một vụ tấn công khủng bố nhằm mục đích khiểu khích Iran. Ông đồng thời kêu gọi ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực./.