Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn của những đổi mới mạnh mẽ

Điều hành họp Quốc hội bằng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, tại sao không? Đó chính là xu hướng của xã hội hiện đại, văn minh. Ở Việt Nam, từ năm 2019, nền móng cho Quốc hội điện tử đã được nhen nhóm.
Các đại biểu Quốc hội sẽ dần làm quen với các trang thiết bị điện tử mới có công nghệ cao hơn ở các kỳ họp tới. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam+)
Các đại biểu Quốc hội sẽ dần làm quen với các trang thiết bị điện tử mới có công nghệ cao hơn ở các kỳ họp tới. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam+)

Bài 2: Họp trực tuyến-Nền móng cho Quốc hội điện tử thời đại 4.0

“Kỷ nguyên 4.0” đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ cao lan rộng khắp thế giới, tác động vào các ngành nghề cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền… Ở Việt Nam, nền móng cho Quốc hội điện tử đã được nhen nhóm từ năm 2019.

Thời điểm đó, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp, mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới cho hoạt động của cơ quan giám sát tối cao của Nhà nước.

Từ những “bước đệm” đầu tiên

Tại Kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ XIV, Quốc hội thí điểm tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Nhờ công nghệ giúp sức, chủ tọa phiên họp đã điều hành chính xác hơn.

[Bài 1: Những “điểm sáng” nghị trường nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV]

Nhằm tận dụng tối đa sự ưu việt của công nghệ cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đại biểu, trong phiên họp báo giới thiệu về Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lúc đó cho biết mỗi đại biểu được cung cấp thiết bị điện tử có cài đặt các phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể tham khảo tài liệu của kỳ họp, thậm chí có thể chuyển từ giọng nói thành văn bản, thuận tiện hơn trong việc tra cứu luật, tìm kiếm thông tin...

Cử tri Hồng Hạnh (Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá: “Hình thức đổi mới này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, thông tin kịp thời, nhanh chóng mà còn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng cũng như Quốc hội nói chung trong cả kỳ họp.”

Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn của những đổi mới mạnh mẽ ảnh 1Trong tương lai, công nghệ cao sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đến năm 2020, sự xuất hiện bất thình lình của đại dịch COVID-19 tưởng chừng làm ngưng trệ mọi hoạt động, lại chính là lúc Quốc hội khóa XIV ghi dấu đổi mới đậm nét, mở ra giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ bằng việc họp trực tuyến.

Trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiều lần yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, yêu cầu không để ảnh hưởng dịch bệnh làm đình trệ mọi việc.

[Chọn cán bộ ‘tài đức vẹn toàn’: Cần lá phiếu tín nhiệm từ lòng dân]

Và thực tế, kỳ họp thứ 9 đã để lại dấu ấn thật đặc biệt, bởi lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục 2 tuần đầu tiên (20-29/5). Từ Nhà Quốc hội, tín hiệu được kết nối đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này, vừa thể hiện sự nhanh nhạy thích ứng trước đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, vừa đặt nền móng cho những đổi mới trong hoạt động Quốc hội giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Chúng ta thường nói biến nguy thành cơ. Đây là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho đổi mới, vừa đảm bảo tiết kiệm thời gian, ngân sách đồng thời chuyển sang áp dụng công nghệ thời 4.0. Kỳ này chính là bước đệm quan trọng để hoàn thiện các phần mềm cho đại biểu nghiên cứu, tham gia đóng góp, biểu quyết," nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn của những đổi mới mạnh mẽ ảnh 2Đại biểu Trần Hoàng Ngân trao đổi với phóng viên bên hành lang nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Xây nền móng cho Quốc hội điện tử

"Việc đổi mới cách thức kỳ họp thể hiện Quốc hội luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để theo kịp tình hình kinh tế, xã hội vì lợi ích nhân dân," là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (20/5).

Các đại biểu sau những ngày “họp từ xa” về Thủ đô họp tập trung đều chung nhận định phiên họp trực tuyến đầu tiên đã diễn ra với bầu không khí dân chủ, nghiêm túc giống như họp tập trung tại Nhà Quốc hội; phương tiện dùng họp trực tuyến bảo đảm kỹ thuật.

Cử tri Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá hình thức họp trực tuyến có nhiều lợi thế hơn họp tập trung trong việc giúp tiết kiệm ngân sách, đại biểu địa phương không phải di chuyển nhiều; các lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu...

Nối tiếp thành quả Kỳ họp thứ 9 đồng thời thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.

Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn của những đổi mới mạnh mẽ ảnh 3Đại biểu các nước dự Hội nghị trực tuyến Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Có thể thấy, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc áp dụng công nghệ thông tin mà khởi đầu bằng họp trực tuyến vào kỳ họp Quốc hội là cần thiết và hiệu quả.

Áp dụng công nghệ cao vào công việc trên nghị trường cũng góp phần tạo ra nhiều thời cơ và vận hội mới, tạo đà cho đất nước phát triển những năm tiếp theo. Các đại biểu, cử tri kỳ vọng công nghệ sẽ giúp đổi mới khâu tổ chức các kỳ họp quốc hội, hỗ trợ Chính phủ, tư lệnh ngành kết nối với cử tri để đẩy nhanh quá trình tạo cơ chế, giải pháp, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Quốc hội hoàn thành vai trò, thể hiện trách nhiệm giám sát tối cao của mình, đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục