Ngày 2/9, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - Quốc hội mãn nhiệm) của Libya đã công nhận danh sách nội các do Thủ tướng được cơ quan này chỉ định Omar al-Hasi lập.
Theo người phát ngôn GNC Omar Ahmidan, danh sách nội các do ông Hasi trình lên gồm 19 bộ trưởng là các nhân vật ít nổi trong chính trường Libya. Cũng trong phiên họp này, GNC tuyên bố sa thải ông Abdullah al-Thani, người được Quốc hội chính thức Libya bổ nhiệm làm Thủ tướng hôm 1/9 vừa qua.
Với động thái trên, Libya đang phải chứng kiến sự chia rẽ chính trị sâu sắc khi tồn tại song song hai quốc hội và hai chính phủ. Mặc dù đã mãn nhiệm sau cuộc bầu cử hồi tháng 6, GNC đã nhóm họp trở lại từ ngày 25/8 với sự hậu thuẫn của các tay súng Hồi giáo thuộc nhóm "Bình minh Libya", lực lượng đang chiếm ưu thế tại Tripoli.
Hiện cả GNC và ông al-Hasi đều không được cộng đồng quốc tế công nhận. Trong khi đó, Thủ tướng al-Thani được cho đang đứng đầu một chính phủ hoạt động yếu kém khi ngày 1/9 thừa nhận hoàn toàn mất quyền kiểm soát thủ đô Tripoli vào tay phiến quân.
Cũng trong ngày 2/9, đặc phái viên Anh về Libya Jonathan Powell đã tới thành phố Tobruk để gặp các nghị sĩ Quốc hội Libya để thảo luận về những bất ổn chính trị tại quốc gia dầu mỏ ở Bắc Phi này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tobruk, ông Powell cho biết Anh công nhận tính hợp pháp của Quốc hội Libya hiện nay và cam kết ủng hộ chính phủ mới tại nước này. Theo đặc phái viên Anh, sẽ không có can thiệp quân sự vào Libya và cuộc xung đột tại quốc gia này chỉ có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Quốc hội Libya chuyển về thành phố Tobruk ở miền Đông sau khi các lực lượng chính phủ ở Tripoli thất thủ trước các nhóm vũ trang đến từ thành phố Misrata ở miền Tây hồi tháng 8.
Hiện Anh và các nước phương Tây lo ngại nếu Chính phủ Libya thất bại trong việc điều hành đất nước có thể dẫn tới các làn sóng người nhập cư từ nước này tràn vào châu Âu và Libya trở thành nơi trú ẩn của các nhóm Hồi giáo vũ trang./.