Quốc hội mới của Hy Lạp tuyên thệ nhậm chức và họp phiên đầu tiên

Ngày 5/2, Quốc hội khóa mới của Hy Lạp đã tuyên thệ nhậm chức và triệu tập phiên họp đầu tiên kể từ cuộc tổng tuyển cử hôm 25/1 vừa qua.
Quốc hội mới của Hy Lạp tuyên thệ nhậm chức và họp phiên đầu tiên ảnh 1Nội các mới của Hy Lạp họp phiên đầu tiên ngày 28/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, Quốc hội khóa mới của Hy Lạp đã tuyên thệ nhậm chức và triệu tập phiên họp đầu tiên kể từ cuộc tổng tuyển cử hôm 25/1 vừa qua - lần đầu tiên đưa một đảng cánh tả lên cầm quyền tại Hy Lạp kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.

Phiên họp do tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đề xuất, nhằm mục đích đánh giá giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, vốn là chủ đề chính trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Hy Lạp và các quan chức châu Âu trong những ngày qua.

Dự kiến vào cuối tuần này, ông Tsipras sẽ công bố chính sách của chính phủ và cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của ông sẽ diễn ra vào tối 9/2 tới.

Trong khi đó cùng ngày 5/2, tại cuộc gặp đầu tiên nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp với các chủ nợ của Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis và người đồng cấp Đức Wolfgang Schaeuble đã "không đạt được đồng thuận."

Ông Schaeuble cho rằng việc giảm nợ cho Hy Lạp "hiện không còn quan trọng," đồng thời nhắc lại đề nghị hỗ trợ Hy Lạp củng cố hệ thống thuế của nước này. Hiện Đức vẫn một mực yêu cầu Hy Lạp thực hiện mọi cam kết đã đưa ra để nhận cứu trợ tài chính.

Chính phủ Hy Lạp hiện đang tích cực thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết tranh cử là chấm dứt nhiều năm "thắt lưng buộc bụng," dù tỷ lệ nghèo và khó khăn ở nước này đã lên mức cao nhất so với các nước Tây Âu.

Tân thủ tướng mới của "Xứ sở thần thoại" cũng đang nỗ lực vận động các nước thành viên trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ủng hộ chiến dịch do ông đề xướng, kêu gọi các định chế tài chính nước ngoài xóa một phần nợ cho nước này. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.