Mặc dù tình hình ở miền Đông Ukraine đang diễn biến phức tạp song Quốc hội nước này vẫn bất đồng về các dự luật nhằm giảm căng thẳng tại đây.
Trong phiên họp toàn thể ngày 24/4, Quốc hội Ukraine đề ra mục tiêu nhất trí nội dung biên bản ghi nhớ về giải quyết tình hình tại miền Đông và dự luật ân xá cho những người tham gia biểu tình tại đây.
Trước đó, các chính đảng trong Quốc hội vẫn bất đồng về dự luật ân xá cho người biểu tình ở miền Đông Ukraine. Đảng các khu vực và Đảng Cộng sản Ukraine cho rằng cần ân xá cho tất cả những người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà công quyền ở miền Đông, giống như đối với những người biểu tình Maidan ở quảng trường Độc lập tại Kiev.
Ngược lại, các đảng Batkivsina, UDAR và Tự do lại phản đối trả tự do cho người biểu tình ở Donetsk, Lugansk và Kharkov. Các đảng này cho rằng người biểu tình Maidan ở Kiev là "anh hùng," còn người biểu tình ở miền Đông là "khủng bố ly khai."
Ngoài ra, các đảng trong Quốc hội Ukraine cũng không thống nhất được dự thảo biên bản ghi nhớ về giải quyết tình hình ở miền Đông. Các đại diện của Đảng các khu vực và Đảng Cộng sản không đồng tình với dự thảo do Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleksandr Turchynov đưa ra, khi nó không đề cập tới các vấn đề liên bang hóa và tăng quyền hạn của các khu vực, trao quy chế ngôn ngữ chính thức thứ hai cho tiếng Nga, cũng như tiến hành sửa đổi Hiến pháp.
Đảng các khu vực đã đưa ra một dự thảo biên bản ghi nhớ khác, trong đó yêu cầu trao cho tiếng Nga quy chế ngôn ngữ quốc gia thứ hai; tiến hành cải cách cơ quan tự quản địa phương cũng như tổ chức chính quyền các khu vực; tổ chức bầu cử trực tiếp người đứng đầu hội đồng địa phương; bảo đảm các khoản tài chính cần thiết cho các khu vực...
Những yêu cầu của Đảng các khu vực nhận được sự ủng hộ của người dân miền Đông.
Trong khi đó, sau chuyến thị sát ngày 23/4, phái đoàn Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết khu vực miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt," tình hình ở Lugansk, đặc biệt là Donetsk, đang diễn biến rất phức tạp và căng thẳng.
Tại Lugansk, những người biểu tình vẫn tiếp tục kiểm soát trụ sở của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), tuy nhiên, bạo lực dẫn đến đổ máu đã không xảy ra.
Còn tại khu vực Donetsk, mặc dù đại diện OSCE cùng đại diện chính phủ tạm quyền Ukraine đã thảo luận với lãnh đạo biểu tình, song các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khi người biểu tình cho rằng quan điểm của chính phủ lâm thời về thỏa thuận Geneva (theo đó những người biểu tình Maidan không chịu tác động của thỏa thuận) chỉ làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng./.