Quốc tế cam kết viện trợ khẩn cấp hơn 1 tỷ euro cho Ukraine

Quốc tế viện trợ khẩn cấp cho Ukraine để vượt qua những thách thức trong mùa Đông lạnh giá, trong khi tình hình chiến sự đang gây thiệt hại nặng nề cho mạng lưới năng lượng, cơ sở hạ tầng dân sự.
Quốc tế cam kết viện trợ khẩn cấp hơn 1 tỷ euro cho Ukraine ảnh 1Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (góc trái, trên màn hình) phát biểu tại Hội nghị quốc tế về viện trợ khẩn cấp cho Ukraine. (Ảnh: AFPTTXVN)

Tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với Ukraine ngày 13/12 tại Paris (Pháp), đại diện hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ ngay lập tức cho Ukraine hơn 1 tỷ euro để vượt qua những thách thức trong mùa Đông lạnh giá, trong bối cảnh tình hình chiến sự đang gây thiệt hại nặng nề cho mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng ở Ukraine.

Hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, với sự tham dự của đại diện 46 quốc gia và 24 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guiteres, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal, đại diện Ấn Độ, và một số nước vùng Vịnh.

Theo Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, số tiền mà các nước và tổ chức quốc tế cam kết vượt xa đề nghị 800 triệu euro mà chính quyền Kiev đưa ra ban đầu. Trong đó, khoảng 415 triệu euro sẽ được sử dụng để phục hồi hệ thống năng lượng, 25 triệu để sửa chữa mạng lưới cấp nước, 38 triệu cho lương thực thực phẩm, 17 triệu dành cho hệ thống y tế, 22 triệu sửa chữa hạ tầng giao thông, gần 500 triệu còn lại phục vụ cho các mục đích khác.

[Mỹ, EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine tái thiết và bảo vệ cơ sở hạ tầng]

Một số nước châu Âu cũng đã công bố nhiều biện pháp mới để hỗ trợ Ukraine. Pháp cho biết sẽ viện trợ bổ sung 76,5 triệu euro, Đức sẽ chuyển giao 50 triệu euro cho Kiev trước tháng 4/2023. Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp 30 triệu bóng đèn LED cho Ukraine, với ngân sách do các nước thành viên đóng góp.

Bên lề hội nghị, Pháp cũng đã ký ba thỏa thuận cung cấp vật tư cần thiết, bao gồm đường ray, thiết bị tái thiết cầu đường, hạt giống với tổng trị giá khoảng 100 triệu euro. Những hàng hóa này do doanh nghiệp Pháp hoặc Đức bảo đảm, thanh toán bằng các phương thức do Pháp thu xếp, không nằm trong những cam kết mà Paris đưa ra tại hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.