Quốc tế hoan nghênh thỏa thuận hòa bình tại Mali

Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu đã hoan nghênh việc chính phủ Mali ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc với một số nhóm phiến quân ở miền Bắc.
Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop (trái) và đại diện các nhóm phiến quân tại lễ ký thỏa thuận hòa bình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh việc chính phủ Mali ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc với một số nhóm phiến quân ở miền Bắc ngày 1/3.

Chủ tịch Ủy ban AU Nkosazana Dlamini Zuma nhấn mạnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận này một cách hiệu quả sẽ giúp giải quyết khủng hoảng tại miền Bắc Mali, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở khu vực này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.

Đại diện cấp cao của EU Phụ trách Hợp tác Quốc tế và Phát triển Federica Mogherini cũng hoan nghênh thỏa thuận trên, và cho rằng đây là một giai đoạn có ý nghĩa nhằm thiết lập hòa bình bền vững tại Mali. EU kêu gọi các bên chưa tham gia thỏa thuận này sớm đặt bút ký.

Ngày 1/3, Chính phủ Mali đã ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc với một số nhóm phiến quân ở miền Bắc sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng dưới sự giám sát của nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu. Tuy nhiên, liên minh vũ trang Tuareg đã yêu cầu có thêm thời gian để tham vấn trước khi ký kết thỏa thuận hòa bình.

Trước tình hình trên, với tư cách là nước đứng đầu nhóm trung gian hòa giải quốc tế, Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ giúp các bên tham gia đàm phán hướng tới hòa bình và ổn định, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ sớm được các bên ký kết như đã thống nhất.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop cho biết chính phủ nước này sẵn sàng thực hiện các cam kết trong thỏa thuận, đồng thời kêu gọi quốc tế tăng cường nỗ lực giúp đạt được những mục tiêu của thỏa thuận hòa bình.

Mali rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này trở thành sào huyệt của phiến quân Tuareg, vốn là nhánh khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM).

Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã phải can thiệp quân sự từ tháng 1/2013.

Việc ký thỏa thuận trên là một bước đi quan trọng để giải quyết dứt điểm khủng hoảng tại quốc gia này. Thỏa thuận này cụ thể hóa cam kết chấm dứt khủng hoảng tại Mali thông qua đối thoại và thực hiện hòa giải dân tộc trên cơ sở toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục