Ngày 7/6, hội thảo quốc tế mang tên “Diễn tiến nào trong tranh chấp tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye?” đã diễn ra tại Câu lạc bộ báo chí Thụy Sĩ ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, các vấn đề an ninh như tiến sỹ Felix Heiduk, Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh Đức; nhà nghiên cứu Bill Hayton-Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Chatham House-London (Anh); tiến sỹ Theresa Fallon, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu tại Brussels (Bỉ); giáo sư Erik Franckx, trường Đại học Tự do Brussels (Bỉ) Vrije Universiteit Brussel; chuyên gia James Fanell thuộc Trung tâm Chính sách an ninh Geneva; và tiến sỹ Nicola Casarini, Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Italy.
Phát biểu khai mạc hội thảo, luật sư Pierre Schifferli thuộc Văn phòng Luật sư Schifferli tại Geneva - một trong những người khởi xướng và tổ chức hội thảo-nhấn mạnh hội thảo diễn ra 3 năm sau khi Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, là cơ hội để các nhà nghiên cứu thảo luận chuyên sâu và phân tích về diễn tiến, tương lai trong các tranh chấp tại Biển Đông.
Diễn giả đăng đàn đầu tiên, nhà nghiên cứu Bill Hayton nêu bật những diễn biến gần đây tại khu vực Biển Đông, đặc biệt là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines, sau phán quyết của Tòa trọng tài công bố vào tháng 7/2016, việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Tiến sỹ Theresa Fallon phân tích “thái độ” của Trung Quốc đối với luật pháp và các chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông, kể cả những động cơ chiến lược của Trung Quốc, những tính toan về chi phí/lợi ích của nước này tại Biển Đông, các lựa chọn chính sách và cả những tình huống mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong tương lai, mối quan hệ giữa luật pháp và quyền lực trong các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông.
[Cuộc đua thuyền cúp Ty Nam đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam]
Một trong các vấn đề được nhiều diễn giả đề cập đến là quan điểm, hành động của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quân sự hóa Biển Đông.
Giáo sư Nicola Casarini và tiến sỹ Felix Heiduk tập trung thảo luận về những tác động của bối cảnh quân sự hóa Biển Đông đến an ninh của châu Âu.
Câu hỏi đặt ra là châu Âu quan tâm ra sao đến Biển Đông. Một cuộc khủng hoảng tại Biển Đông sẽ tác động thế nào đến quan điểm của châu Âu về an ninh?
Các đại diện của EU, cũng như đại diện của các quốc gia thành viên trong liên minh, đã nhiều lần tuyên bố rằng EU có mối quan tâm lớn đối với hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Hầu hết các hoạt động trao đổi thương mại của châu Âu với châu Á đều đi qua Biển Đông. Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ ba của EU.
Giáo sư Nicola Casarini nhấn mạnh việc thời gian gần đây EU cho thấy một lập trường quan điểm mạnh mẽ hơn trước, với các sáng kiến, hành động cụ thể, tăng cường cam kết trong lĩnh vực an ninh tại châu Á, phù hợp với mục tiêu chiến lược của EU là hỗ trợ một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, chuẩn mực.
EU sẵn sàng hỗ trợ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).
Dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết tại Biển Đông, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, ủng hộ tự do của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chính đáng với các vùng biển và hải đảo.
Thách thức của các nước trong khu vực hiện nay và tương lai là hàn gắn niềm tin cũng như đưa khu vực trở lại hòa bình và ổn định.
Hội thảo quốc tế “Diễn tiến nào trong tranh chấp tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye?” là sự kiện tiếp nối với hội thảo mang chủ đề “Tranh chấp tại Biển Đông-Phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển,” diễn ra tại Geneva vào tháng 12/2016, với sự tham dự của 9 diễn giả là các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong các lĩnh vực luật pháp và quan hệ quốc tế của các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Italy./.