Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can

Bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sáng 27/11.
Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can ảnh 1Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sáng 27/11.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) gồm 8 phần, 37 chương, 510 điều đã được 85,63% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.

Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trình tự, thủ tục giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức và cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

Bộ luật Tố tụng Hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

​Về nội dung mới của dự thảo Bộ luật là việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 183), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo là cần thiết.

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Khoản 6 Điều 183 Dự thảo luật như sau: "Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng."

Để đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ thực hiện việc bào chữa, tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa” của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được tham gia bào chữa, dự thảo quy định theo hướng bỏ việc “cấp Giấy đăng ký người bào chữa” thay bằng quy định về thủ tục "đăng ký bào chữa" như đã thể hiện tại Điều 78 Dự thảo luật.

Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.

Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục